Từ sáng 30/1 đến chiều 31/1, khi cảnh sát phong tỏa khu vực giao lộ 472 - đường Trung An (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM), rất đông người dân kéo đến tụ tập tại khu vực này để theo dõi cuộc bố ráp. Từ sáng tới khuya, hàng dài người vẫn ngồi ven đường nghe ngóng diễn biến mới nhất của cuộc truy lùng.
Các hàng quán ở đây bội thu khi liên tục tiếp đón các lượt khách hàng từ nhiều nơi đổ về theo dõi cuộc vây bắt.
“10 năm bán hàng chưa khi nào đông vậy”
Bà Trần Thị Bằng (59 tuổi), người bán hủ tiếu tại ngã 3 đường 472 - Trung An, cho biết suốt 10 năm bán tại đây, bà chưa bao giờ có nhiều khách hàng như vậy. Hàng ngày, bà chỉ bán từ 4h đến 8h sáng, hết một nồi hủ tiếu là đóng cửa. Riêng sáng 31/1, do lượng khách rất đông từ hôm trước nên bà đã nấu thêm để bán cả ngày.
“Từ sáng tới trưa mà đã bán hết 3 nồi nước lèo rồi. Thu nhập cũng gấp 3 lần ngày thường. Nhưng mình không chặt chém khách, vẫn bán giá vậy thôi”, bà Bằng chia sẻ trong lúc luôn tay chan nước lèo vào tô cho khách.
Bà Trần Thị Bằng phải nhập thêm hàng để bán cho khách. Ảnh: Lê Quân. |
Không chỉ là nơi bán hủ tiếu, nhà bà Bằng cũng là địa chỉ để cảnh sát nghỉ ngơi.
“Nhà có đồ ăn gì đều mang ra mời các chú ấy hết. Nhìn mấy chú cơ động đứng canh ngoài đường nắng chang chang, phải dựa cột điện ngủ, nắng chiếu thẳng vào mặt mà thấy thương”, bà Bằng tâm sự.
Đối diện quán hủ tiếu của bà Bằng, quán nước của chị Lê Thị Xuân Hòa (45 tuổi) cũng tấp nập gấp nhiều lần ngày thường. Từ 7h sáng, chị bán luôn tay không ngơi nghỉ lúc nào. Chị phải nhờ cả con gái nhỏ bê nước cho khách. Thu nhập trong ngày 30/1 của chị gấp 4-5 lần bình thường.
“10 năm bán ở đây chưa khi nào đông vậy. Nhưng đông kiểu này cũng hơi rợn. Mong sớm bắt được nghi can để sống cho bình an thôi”, chị Hòa tâm sự.
Nghi can chưa bị bắt, dân còn bất an
Nếu các hàng quán còn có niềm vui nhỏ từ việc thu nhập tăng thì người dân nơi đây lại luôn ngay ngáy nỗi lo khi nghi can Tuấn vẫn bặt vô âm tín.
Đêm qua, vợ chồng ông Sáu (54 tuổi) và bà Lan (46 tuổi) cùng các con, cháu phải sang nhà người thân ngủ nhờ cho đỡ sợ. Họ không dám ngủ ở nhà.
“Tôi còn không dám đi ra sau nhà vì toàn vườn cây, ao cá. Không biết hung thủ đang núp lùm ở đây. Mình không sợ nó bắn mà sợ nó bắt mình làm con tin”, bà Lan nói với vẻ mặt lo lắng.
Nhà bà Lan và ông Sáu cạnh ngã ba nơi lực lượng công an đang tập trung vây bắt nghi can Lê Quốc Tuấn. Cư ngụ ở đây hơn 50 năm, chưa bao giờ gia đình ông bà phải sống trong cảnh thấp thỏm như vậy.
Bà Lan bảo sáng nay coi bản tin thời sự, phát thanh viên còn cảnh báo người dân nên đề cao cảnh giác. “Nói như vậy thì ai mà không sợ cho được”, bà Lan thở dài.
Tương tự bà Lan, ông Sáu cũng sống trong tâm trạng bất an. Ông cho biết tại Củ Chi, xã này là khu du lịch sinh thái với nhiều vườn cây, ao cá, rạch nước nên dễ dàng lẩn trốn hơn các vùng khác.
"Đất ở đây mềm tới mức có thể đào bằng tay. Giả sử hung thủ đào một cái hang nhỏ, chui vào và trốn giữa lùm cây thì rất khó phát hiện”, ông Sáu nhận định.
Bà Võ Thị Gái (ngoài cùng bên trái) thấp thỏm khi nghi can chưa bị bắt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do khu vực nghi can lẩn trốn là nơi bà con xã Trung An gieo trồng, việc công an phong tỏa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân nơi đây.
Bà Võ Thị Gái (57 tuổi) cho biết 2 ngày nay cả nhà bà không dám ra vườn thu hoạch rau vì sợ gặp phải thằng Tuấn.
Buổi tối ngủ, bà và người nhà cũng phải giấu sẵn một cái liềm ở hiên nhà để phòng trường hợp xấu.
“Thằng Tuấn có súng thì mình cũng phải có vũ khí để phòng vệ chứ. Nó còn ở ngoài ngày nào thì tụi tui còn bất an ngày ấy”, bà Gái lo lắng.
Chiều 29/1, Lê Quốc Tuấn cùng Lê Quốc Minh (27 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) mang theo súng AK đến điểm đánh bạc ở vườn nhãn thuộc ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
Tại đây, Tuấn xả súng vào đám đông khiến 4 người tử vong và một 1 người khác bị thương.
Trên đường bỏ trốn, Tuấn tiếp tục dùng súng khống chế, cướp xe máy của một người dân. Ngoài ra, cảnh sát nghi ngờ nghi can này nổ súng sát hại một người khác để cướp xe máy.