Từ sáng 30/1, hàng trăm cảnh sát, cùng nhiều xe bọc thép đã được điều đến xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) để bao vây khu vực nghi can Lê Quốc Tuấn đang ẩn nấp. Đây là nghi can trong vụ xả súng làm 4 người chết và giết hại thêm 1 người trên đường lẩn trốn bằng súng AK.
Trong quá trình bao vây, truy bắt, nhiều người dân địa phương và người đi đường hiếu kỳ đã tụ tập theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng. Có lúc, số người tập trung lên đến cả trăm người, gây cản trở hoạt động của lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
"Nước ngoài tránh xa, dân ta lại xúm vào"
Trao đổi với Zing.vn, TS tâm lý học Khuất Thu Hồng cho rằng việc người dân hiếu kỳ, tò mò hoạt động của các cơ quan chức năng là bình thường. Tuy nhiên, bà lo ngại việc người dân không dừng lại ở mức theo dõi tin tức, mà trực tiếp đến tận hiện trường để xem là vô cùng nguy hiểm.
Người dân thức đêm cùng lực lượng chức năng để theo dõi quá trình truy bắt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Nghi can bắn chết đến 5 người khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc, bất bình. Việc người dân tụ tập theo dõi tức là họ rất mong công lý được thực thi. Tuy nhiên, họ chưa ý thức được việc làm của mình đang làm khó các cơ quan chức năng và tự đặt mình vào nguy hiểm của vũ khí quân dụng", TS Khuất Thu Hồng phân tích.
Theo bà, người dân Việt Nam nói chung vẫn chưa được giáo dục cũng như hướng dẫn ứng xử đúng cách trong những tình huống nguy hiểm, bất ngờ, có yếu tố bạo lực, vũ trang.
Bà cho hay ở các nước khác, khi có những vụ việc tương tự, hay nghe tiếng súng nổ, người dân sẽ lập tức đóng cửa, ở yên trong nhà chờ chỉ dẫn của cảnh sát cũng như chính quyền địa phương. Họ được giáo dục khi cảnh sát làm nhiệm vụ cần tránh xa để tránh thương vong cho bản thân.
"Người dân rất hiếm khi được chứng kiến đụng độ giữa cảnh sát và tội phạm nên chưa nhận thức được việc này nguy hiểm tính mạng đến mức nào. Bên cạnh đó, một bộ phận người Việt có thói quen không tuân thủ pháp luật, không tuân theo yêu cầu của cơ quan chức năng, vẫn cố tình đứng lại xem dù được yêu cầu rời đi", bà Hồng nói.
Cản trở hoạt động của cảnh sát, tự đặt mình vào nguy hiểm
Theo chuyên gia Đào Trung Hiếu (trung tá, nguyên điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội), việc người dân tập trung đông ở khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thương vong, an ninh, an toàn.
Nghi phạm Lê Quốc Tuấn được cho là đang cố thủ với 1 súng AK vẫn còn đạn. |
"Trong trường hợp đối tượng chống trả bằng súng, người dân có nguy cơ bị trúng đạn lạc. Bên cạnh đó, họ cũng làm cản trở hoạt động truy đuổi của cảnh sát. Có trường hợp đối tượng bắt ngay người dân làm con tin để không chế, yêu sách lên lực lượng chức năng", trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Người dân còn trở thành gánh nặng cho lực lượng cảnh sát nếu tình huống bất ngờ xảy ra. Như nếu đối tượng bắn rồi lẻn vào đám đông thì lực lượng chức năng cũng không thể nổ súng trấn áp được.
Trong vụ việc này, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát vốn đã rất nặng nề, nguy hiểm lại còn thêm cả việc giải tán đám đông, ổn định trật tự.
TS Khuất Thu Hồng cho rằng tư duy này của người dân cần sớm phải thay đổi. Không chỉ ở vụ việc vây bắt tại Củ Chi, người dân thường xuyên tụ tập đông người khi cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, thậm chí là những nhiệm vụ nguy hiểm, có yếu tố vũ trang.
"Cơ quan chức năng cần giáo dục, hướng dẫn người dân cách hành xử đúng đắn, an toàn khi gặp những vụ việc tương tự. Còn người dân cần hiểu được cần làm gì để hợp tác, hỗ trợ tốt nhất khi cơ quan chức năng làm nhiệm vụ", tiến sĩ Hồng cho hay.
Chiều 29/1, Lê Quốc Tuấn cùng Lê Quốc Minh (27 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) mang theo súng AK đến điểm đánh bạc ở vườn nhãn thuộc ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
Tại đây, Tuấn xả súng vào đám đông khiến 4 tử vong và một 1 người khác bị thương.
Trên đường bỏ chạy, Tuấn tiếp tục dùng súng khống chế, cướp xe máy của một hộ dân. Ngoài ra, cảnh sát nghi ngờ nghi can này nổ súng sát hại một người khác để cướp xe máy.