Các chuyên gia nói việc nhìn thấy những con cá ở đáy biển sâu không phải là dấu hiệu của thảm họa, như điều thường được người dân Nhật tương truyền. Họ so sánh hồ sơ về các lần bắt gặp loại cá mái chèo (oarfish) như mắc vào lưới đánh cá, với hồ sơ động đất từ 90 năm nay, theo Guardian.
Họ không tìm thấy liên hệ nào giữa “thủy quái” này và động đất lớn.
Cụ thể, kể từ 1928 có 363 lần xuất hiện cá mái chèo và 221 trận động đất 6 độ trở lên, nhưng chỉ có một lần động đất xảy ra trong vòng 30 ngày và trong bán kính 100 km của lần xuất hiện cá mái chèo.
Việc nhìn thấy cá mái chèo không phải dấu hiệu của thảm họa. Ảnh: AP. |
Quan niệm được lưu truyền nói trên bắt nguồn từ Shokoku Rijin Dana, tuyển tập các truyện ly kỳ xuất bản thế kỷ 18, trong đó nói cá mái chèo và động đất có mối liên hệ.
Các chuyên gia từng đoán rằng cá dưới đáy biển di chuyển đến vùng nước nông hơn khi cảm nhận được thay đổi sóng điện từ do sự vận động kiến tạo của vỏ Trái Đất, càng khiến quan niệm cá mái chèo báo hiệu điểm gở lan rộng.
Việc cá mái chèo xuất hiện ở bờ biển đầu năm nay đã khiến một số người lo sợ động đất.
Dù hệ thống cảnh báo sớm động đất của Nhật Bản thường cho người dân nhiều giây để tìm chỗ ẩn nấp trước khi cơn động đất xảy ra, hiện chưa có phương pháp hữu hiệu nào có thể dự đoán sự dịch chuyển của vỏ Trái Đất.
Một số chuyên gia cho rằng có 70-80% khả năng một vùng bờ biển lớn của Nhật Bản sẽ hứng chịu động đất ở mức thảm họa trong vòng 30 năm tới.
Kịch bản xấu nhất có 230.000 người chết - hơn 10 lần số thương vong của thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 ở vùng đông bắc nước này.