Trong nhiều năm qua, PSG chiêu mộ Neymar giá 222 triệu euro, mua Kylian Mbappe giá 180 triệu euro. Cùng thời gian đó, Man City chưa mua cầu thủ nào quá 80 triệu euro. Vài năm gần đây, họ không còn vung tay quá trán trên thị trường chuyển nhượng.
Nếu Luật công bằng tài chính (FFP) được UEFA tạo ra để bảo đảm tính bền vững cho các CLB bóng đá, việc kiểm soát giá cầu thủ phải là ưu tiên hàng đầu. Và PSG nên chịu chung số phận, chứ không chỉ một mình Man City.
Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG có ghế ở UEFA. Ảnh: Getty. |
Một triệu USD của Khelaifi
Mùa hè năm nay, Chủ tịch PSG Nasser Al-Khelaifi sẽ xuất hiện trước tòa án Thụy Sĩ để giải trình về những cáo buộc mà Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ (OAG) dành cho mình.
The Times miêu tả phiên tòa sắp tới có sự góp mặt của ông Khelaifi không khác gì "trò hề", sau thỏa thuận ngầm trị giá 1 triệu USD giữa FIFA và chủ tịch của PSG hoàn tất.
Ban đầu OAG định truy tố chủ tịch PSG tội tham nhũng khi hối lộ cựu Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke. Đây là vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy tố tội hình sự. Thế nhưng, sau cuộc gặp giữa FIFA và Khelaifi tháng 12/2019, tổ chức quyền lực của bóng đá thế giới quyết định rút đơn kiện.
FIFA thông báo với OAG rằng họ và chủ tịch của PSG đạt được thỏa thuận hòa giải. Khelaifi được cho đã chi 1 triệu USD cho FIFA để đạt thỏa thuận này.
Đây là thắng lợi về mặt pháp lý cho cả chủ tịch PSG lẫn FIFA. Ông Khelaifi khó có thể bị các công tố viên làm khó trong phiên xét xử sắp tới. Họ có thể buộc tội Khelaifi giúp Valcke hưởng lợi phi pháp, nhưng không thể tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân tại sao, vì không thể tiếp cận các hồ sơ từ FIFA.
Đó là chuyện của Khelaifi với FIFA. Truyền thông Anh nhận định việc đồng ý hòa giải với Khelaifi cũng là cách FIFA ngăn cản chính quyền Thụy Sĩ tiếp tục điều tra tham nhũng trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2022 của Qatar.
Ông Khelaifi có mối quan hệ tốt với nhiều quan chức bóng đá. Ảnh: Getty. |
Chiến thuật "lobby" của PSG
Đất nước sở hữu đội bóng PSG (theo lời HLV Arsene Wenger) có mối liên hệ mật thiết với hai tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới UEFA và FIFA. Bản thân ông Khelaifi là một thành viên của Ủy ban điều hành UEFA từ nhiều năm nay.
Đồng thời ông cũng đóng vai trò chủ chốt tại tập đoàn truyền thông beIN Sports, một trong những đối tác lớn nhất của UEFA nhiều năm qua. Tháng 12/2019, beIN Sports ký một hợp đồng trị giá 375 triệu euro/năm để mua bản quyền Champions League tại Pháp trong 3 năm (2021-2024).
Với mối liên kết mạnh mẽ từ Khelaifi, cuộc vận động hành lang (lobby) mà PSG làm để tránh án phạt do vi phạm FFP từ UEFA bắt đầu từ nhiều năm trước.
Một cuộc điều tra về việc vi phạm FFP được nhắm đến PSG vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, vụ việc bị trì hoãn khá lâu. Tháng 7/2019, New Yorks Times bình luận trong trường hợp PSG, UEFA đã giương cờ trắng mà không thèm chiến đấu.
Một điều tra viên của UEFA từng yêu cầu những hình phạt cụ thể với CLB nước Pháp, nhưng hội đồng xét xử không đồng ý. UEFA đã không đẩy vấn đề này lên như cách họ làm với Manchester City. New York Times tiết lộ có tác động để những người phụ trách công việc điều tra của UEFA đã “nhắm mắt cho qua” trường hợp của PSG.
Thẩm phán người Bồ Đào Nha, Jose Narciso da Cunha Rodrigues, người chịu trách nhiệm đưa ra phán quyết phạt Man City mới đây khi đó đưa ra báo cáo chứng minh ông Yves Leterme, trưởng bộ phận điều tra FFP, có sai sót. Sau đó, thông báo kết quả điều tra của Leterme được giữ nguyên.
Chủ tịch Man City Mubarak (trái) và Chủ tịch PSG Khelaifi có cách tiếp cận với UEFA khác nhau. Ảnh: Getty. |
Man City và sự thù địch với UEFA
Năm 2014, cả PSG và Man City cùng nhận án phạt từ UEFA vì vi phạm FFP. Cả hai CLB sau đó đạt thỏa thuận dàn xếp với UEFA một khoản phạt để không bị cấm tham dự cúp châu Âu.
6 năm sau, Man City bị UEFA cấm thi đấu 2 năm ở các cúp châu Âu, trong khi PSG vẫn bình an vô sự. Việc nửa xanh thành Manchester nhận án phạt có thể coi là nặng nhất đối với một CLB hàng đầu châu Âu không chỉ đến từ việc UEFA phát hiện ra sai phạm của họ.
Thái độ của Man City khi giải quyết các cáo buộc từ UEFA khiến họ rơi vào tình cảnh hiện tại. Trong suốt nhiều năm kể từ thời điểm năm 2014, mỗi trận đấu sân nhà của Man City tại Champions League luôn tạo ra bầu không khí "chống UEFA" trên các khán đài. Mỗi khi nhạc hiệu Champions League bật lên trên sân Eithad, hàng nghìn tiếng la ó, huýt sáo vang lên.
Một tuần sau án phạt của UEFA vào tháng 2 vừa qua, các CĐV Man City giăng nhiều biểu ngữ chống UEFA trên sân Etihad: "UEFA là mafia". "Rồi chúng ta sẽ đưa nhau ra tòa. Cút đi UEFA", các CĐV Man City hát.
CĐV Man City gọi UEFA là "Mafia". Ảnh: AFP. |
Các CĐV Man City có lý do để tin vào những thuyết âm mưu về việc UEFA có thành kiến và luôn muốn chống lại họ. Các quyết định của trọng tài ở Champions League hầu như luôn chống lại Man City, kể cả khi có VAR ở mùa 2018/19.
Đó là mùa giải mà Man City bị Tottenham loại cay đắng bởi bàn thắng gây tranh cãi của tiền đạo Fernando Llorente. UEFA sau đó bảo vệ quyết định của trọng tài khi tuyên bố bàn thắng của Tottenham hợp lệ.
Ban lãnh đạo Man City từng khẳng định sẽ không gây áp lực lên người hâm mộ trước thái độ thù địch mà các CĐV của họ thể hiện UEFA. Nhiều năm, các ông chủ của nửa xanh thành Manchester cũng tỏ thái độ khi phải làm việc với cơ quan quyền lực nhất của bóng đá châu Âu.
Những bức email nội bộ của Man City do tay hacker Rui Pinto, người đang ngồi tù tại Bồ Đào Nha cho thấy thái độ của những đứng đầu Man City với UEFA. Khi Giám đốc tài chính Jorge Chumillas hỏi Giám đốc Simon Pearce về vấn đề ký hợp đồng tài trợ để lách FFP, Pearce đáp với một phong thái ngạo mạn: "Tất nhiên là được. Chúng ta muốn làm gì cũng được".
Cuối mùa giải năm ngoái, khi HLV Pep Guardiola nâng cao chiếc cúp Ngoại hạng Anh thứ hai của mình cùng Man City. Ông quay sang CEO Mubarak hỏi: "Rốt cuộc chuyện là thế nào, chúng ta sẽ bị cấm thật à?". Mubarak khẳng định Pep hãy yên tâm, mọi thứ sẽ ổn vì giấy tờ đều hợp pháp.
Đó là quan điểm của Man City. Kể từ khi bị UEFA mở cuộc điều tra, các ông chủ người UAE đã thuê những luật sư giỏi nhất nước Anh cho cuộc chiến pháp lý với UEFA.
Một trong số đó là Simon Cliff, người đã kể lại trong một cuộc gặp với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, ông Mubarak tuyên bố sẵn sàng chi 30 triệu euro cho 50 luật sư giỏi nhất thế giới để chiến đấu với UEFA trong 10 năm, chứ không bao giờ chấp nhận nộp tiền phạt.
Đó là một trong rất nhiều bức email bị rò rỉ, gián tiếp dẫn tới cuộc điều tra của UEFA. Một bức email khác cho thấy vào năm 2014, Ủy ban điều tra của UEFA (IC) xác định được Man City để lỗ tổng cộng 180 triệu euro trong khoảng thời gian 2 năm đó, vượt xa con số được cho phép là 45 triệu euro.
Tháng 5 năm đó, Man City đạt được thỏa thuận nộp tiền với UEFA. Tuy nhiên, một số nhân vật cấp cao của UEFA, mà điển hình là cựu chủ tịch IC, ông Jean-Luc Dehaene, tin rằng án phạt nói trên quá nhẹ.
Những bức email nói trên lý giải bầu không khí căng thẳng, thậm chí là thù địch mà phía Man City đã dành cho nhiều nhân vật cấp cao của UEFA. Khi vụ lộ email nổ ra, không có nhân vật cấp cao nào của Man City đứng ra xin lỗi.
Daily Mail bình luận Man City là nạn nhân bởi sự bất công và sự chèn ép đến từ giới thượng tầng tại Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Real Madrid, Juventus hay thậm chí PSG được cho đứng sau các quyết định hà khắc của UEFA với Man City.
Tuy nhiên, trong một thời đại mà bóng đá có sức ảnh hưởng ghê gớm, đem lại quá nhiều lợi ích kinh tế và chính trị, Man City dường như quá ngây thơ trong cuộc đấu với các chính trị gia.