Ngồi trên chiếc ghế bành đặc biệt ở sân Johan Cruyff Arena, Sneijder nhìn những thước phim tua lại trong sự nghiệp cầu thủ. Hôm 6/9, người Hà Lan tri ân anh trong trận đấu chia tay đội tuyển quốc gia.
Ở tuổi 34, Sneijder là cầu thủ có nhiều lần khoác áo Hà Lan nhất trong lịch sử (134 lần). Anh gần như là biểu tượng của nền bóng đá xứ sở hoa tulip trong hơn 1 thập niên đầy thăng trầm. Người đã nếm trải đủ đỉnh cao, vinh quang hay những khoảng tối và nuối tiếc đến cùng cực.
Sneijder và gia đình ở những khoảnh khắc cuối cùng của tiền vệ người Hà Lan trong màu áo đội tuyển quốc gia. |
Số phận thật khéo trêu đùa. Trong những ngày bóng đá thế giới dường như bắt đầu vinh danh “bộ óc” Luka Modric bằng các giải thưởng cá nhân, Sneijder, một “bộ óc” tuyệt vời khác, lặng lẽ chấm dứt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao.
Modric và Sneijder có thể coi là hai bộ óc xuất chúng của bóng đá thế giới trong vòng 1 thập niên trở lại đây. Nhưng nếu Modric cuối cùng cũng nhận được sự vinh danh xứng đáng, thì cuộc đời Sneijder mãi chìm trong tiếc nuối.
Mùa đông năm 2010, các cuộc tranh cãi nảy lửa diễn ra trên các diễn đàn bóng đá thế giới để trả lời câu hỏi: Tại sao Wesley Sneijder không thể giành Quả bóng vàng sau một mùa giải đầy thành công?
Làm thế nào mà một cầu thủ đã giúp Inter Milan đoạt cú ăn ba vĩ đại (Champions League, cúp quốc gia Italy, Scudetto), một mình gồng gánh Hà Lan đến chung kết World Cup 2010 (5 bàn ở giải đấu - ngang thành tích với vua phá lưới Diego Forlan), lại bị đánh giá thấp như vậy? Anh thậm chí còn không có tên trong danh sách 3 ứng viên cuối cùng.
Sneijder vừa chia tay đội tuyển Hà Lan. |
Đó là nỗi đau, với cả những người Hà Lan yêu bóng đá hay những cổ động viên yêu mến anh. Leo Messi đã giành QBV năm đó, nhờ quy định quái gở của FIFA, khi cả các HLV và đội trưởng các ĐTQG đều được bầu chọn, bên cạnh các nhà báo.
Cùng với Franck Ribery của năm 2013, Sneijder chính là một trong những lý do khiến tạp chí France Football đã "lấy lại" giải thưởng Ballon D'or danh giá, để trả nó về như một giải thưởng của toàn các nhà chuyên môn bình chọn.
Năm 2010, Sneijder, chứ không phải là Messi, mới là người được các nhà báo bầu chọn đứng cạnh Iniesta và Xavi trong danh sách cuối cùng.
Sai người, sai thời điểm, tạo ra những nỗi đau. Bóng đá thế giới đã mất đi cơ hội vinh danh một "bộ óc" thật sự, một ông chủ khu trung tuyến từng khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Khi bất công biến mất, Sneijder đã không còn hiện diện trên bản đồ bóng đá đỉnh cao quốc tế.
Sneijder sẽ là một trong những "bộ óc" xuất sắc của bóng đá Hà Lan. |
Thi thoảng người ta có thể mô tả lại cuộc đời của một cầu thủ, chỉ nhờ vài khoảnh khắc. Đó có thể là cú sút phạt hình quả chuối của Roberto Carlos ở cúp Tứ hùng năm 1997, cú bấm bóng qua đầu thủ môn của Eric Cantona ở Old Trafford hay thậm chí cú húc đầu của Zinedine Zidane với Marco Materazzi trong trận chung kết World Cup 2006.
Với Sneijder, đó có lẽ là cú phất bóng từ giữa sân xuyên thủng toàn bộ đội hình Tây Ban Nha, đưa Robben vào thế đối mặt Iker Casillas ở trận chung kết World Cup 2010.
Đã không có bàn thắng quý như vàng nào được ghi, bàn thắng mà nếu ghi được, sẽ làm thay đổi cuộc đời của Sneijder, Robben hay thậm chí là cả nền bóng đá xứ sở hoa tulip.
Nhưng đến cuối ngày, thứ đọng lại cuối cùng chỉ sự nuối tiếc và ám ảnh, theo cách mà "tội đồ" Robben từng mô tả rằng "pha bỏ lỡ đó sẽ ám ảnh anh suốt đời".
Sau 15 năm phụng sự tuyển Hà Lan, Sneijder đã chơi 134 trận, ghi 31 bàn. |
Định mệnh khoác lên người Sneijder tấm áo của tiếc nuối. Từ món hàng thải của Real Madrid đến người hùng Inter Milan, Sneijder đi dưỡng già ở Galatasaray - bỏ mặc lời chào mời từ các CLB lớn trong những tháng năm đỉnh cao của sự nghiệp.
Suốt nhiều năm kể từ khi lên đỉnh cùng Inter Milan, Manchester United luôn là CLB muốn có Sneijder. Rất nhiều chữ "nếu" được nhắc đến, bởi giá như Sneijder đến MU, cuộc đời của cả hai có lẽ đã rẽ sang một chương khác. Dẫu sao, đó mới là cuộc đời.
Ngày chia tay trên sân Cruyff Arena, người ta thấy Sneijder nở nụ cười hạnh phúc. Cuối cùng mọi chuyện đã kết thúc.