Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhìn lại những cuộc bỏ trốn của VĐV Việt

Từ việc 2 VĐV rowing bỏ trốn khi đang tập huấn tại Úc cho thấy, công tác quản lý các VĐV khi xuất ngoại là nhiệm vụ khó với các HLV và lãnh đạo, bởi VĐV Việt chuyện gì cũng dám làm...

Nhìn lại những cuộc bỏ trốn của VĐV Việt

Từ việc 2 VĐV rowing bỏ trốn khi đang tập huấn tại Úc cho thấy, công tác quản lý các VĐV khi xuất ngoại là nhiệm vụ khó với các HLV và lãnh đạo, bởi VĐV Việt chuyện gì cũng dám làm...

>> Gia đình đỏ mắt ngóng VĐV đua thuyền trở về
>> Hai VĐV đua thuyền đã lên kế hoạch bỏ trốn từ trước
>> Hai VĐV đua thuyền quốc gia bỏ trốn ở Úc

Từ câu chuyện “cầm nhầm” mắt kính, tuồn hàng điện tử...

Với mức thu nhập cao như hiện tại của các cầu thủ thì chuyện mua sắm, vui chơi khi xuất ngoại đối với họ khá thoải mái. Nhưng ở giai đoạn đầu khi mới bước lên chuyên nghiệp, vì thu nhập còn eo hẹp họ đã có rất nhiều chiêu để kiếm tiền mỗi khi xuất ngoại tập huấn hay thi đấu.

Vào đầu năm 2000, đội tuyển trẻ của bóng đá Việt Nam đi tập huấn tại châu Âu. Đối với nhiều cầu thủ đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời. Sau một thời gian tập huấn đến ngày cuối cùng, toàn đội được hướng dẫn viên của nước đưa đi siêu thị mua sắm. Đa phần các cầu thủ tập trung ở quầy bán đồ thể thao hay những món đồ lưu niệm để làm quà cho người thân.

Duy chỉ có 3 cầu thủ tách riêng, tụm lại bàn tán điều gì đó rất bí mật. Không ai trong đoàn để ý. Họ đứng riêng tại cửa hàng mắt kính thời trang hàng hiệu - khu vực rất vắng người qua lại. Thi thoảng họ lại đảo mắt nhìn xung quanh…1 giờ mua sắm trôi qua, các cầu thủ được lệnh về khách sạn. Trong lúc cả đội đang làm thủ tục nhận phòng thì 1 xe cảnh sát của nước sở tại đến. Viên cảnh sát tiến lại gần chỗ 3 cầu thủ và túi hàng dễ vỡ họ vừa mua ở siêu thị. Sau một hồi khám xét họ lôi ra từ hành lý của 3 cầu thủ này một đống mắt kính hàng hiệu mà họ đã lỡ tay “cầm nhầm” tại siêu thị.

Biên bản được lập, 3 cầu thủ được mời về đồn cảnh sát giải quyết. Nếu làm căng cả đoàn coi như lỡ chuyến bay về nước. 10 phút sau đó, từ một cuộc điện thoại của ông Trưởng đoàn, một viên đại sứ đến năn nỉ hết nước cảnh sát mới thu giữ tang vật và tha cho 3 cầu thủ. Đến giờ, những câu chuyện đó vẫn chỉ được kể lại như là tai nạn khi lỡ tay cầm nhầm đồ mà thôi.

Khác với thu nhập rất cao của các tuyển thủ hiện nay như Tấn Tài, Thanh Bình, Công Vinh....
các "ngôi sao" những năm 2000 rất eo hẹp về vấn đề tài chính

Tính ra những cầu thủ này vẫn còn quá non tay so với các đàn anh của một đội bóng miền Trung. Vào năm 2005, đội bóng này sang Nhật Bản để chuẩn bị cho trận đấu tại AFC Champions League. Thời đó, thu nhập của cầu thủ không cao như bây giờ nên họ luôn tìm cách kiếm thêm. Được mách nước từ trước nên khi đến Nhật Bản, cứ sau giờ tập luyện họ lại chia ra từng tốp đi đến các chợ trời, bãi rác điện tử để gỡ, mua từng thiết bị nhỏ như chip, main board, các linh kiện, phụ tùng nhỏ khác mà người Nhật coi như rác.

Đối với họ đó là những đồ vứt đi nhưng với Việt Nam đó là những đồ vẫn còn rất tốt và nếu bán sẽ được khối tiền. Chuyến xuất ngoại thi đấu ấy, đội bóng đã thua một trận ê chề với tỷ số 0-15 nhưng bù lại khi về nước mỗi cầu thủ đi nhặt rác như trên "lận lưng" mỗi người đến vài chỉ vàng nhờ đi bán đồ "made in Japan".

Đến "quyết tâm" chịu nhục để mong đổi đời

Chuyện bỏ trốn của VĐV thể thao Việt không phải mới đây mới có. Năm 1996, khi thể thao bắt đầu hội nhập với quốc tế nhiều hơn đã có đến 5 vận động viên của Hà Nội bỏ trốn để ở lại Nga. Đến năm 2002 lại có thêm Tạ Đình Đức, Phí Hữu Sơn ở môn vật bỏ trốn khi đang tập huấn tại Hàn Quốc. Năm 2008 lại có thêm 3 đô vật Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Doãn Dũng, Dương Đình Nam cũng "đào tẩu" tại Hàn Quốc. Với môn rowing, trường hợp của Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn là lần đầu tiên họ để xảy ra sự cố đáng tiếc này.

Đa số họ sau khi bỏ trốn đều sống chui, sống lủi ở nơi đất khách quê người do không còn hộ chiếu. Để kiếm sống họ phải làm đủ nghề từ bốc vác, lao động thủ công cho đến việc… nuôi lợn để kiếm sống. Với mức thu nhập cao lên đến cả vài chục triệu đồng/tháng, họ thà chịu nhục, nhẫn nhịn ở lại để mong đổi đời.

Có người đổi đời thật như Nguyễn Doãn Dũng. Kẻ đào tẩu này kiếm được tiền tỷ sau 3 năm ở Hàn Quốc. Dũng về quê xây nhà, mua xe, thậm chí còn dư ra chút đỉnh để lấy vốn làm ăn. Trong khi đó, Nguyễn Văn Phong còn ở lại Hàn Quốc kiếm thêm tí chút trước khi về hẳn quê. Hàng tháng anh vẫn gửi tiền về cho bố mẹ. Trong khi đó, Dương Đình Nam đã "hồi hương" từ năm 2011, hiện tại đang làm HLV vật cho một địa phương sau khi đã đem về tiền tỷ từ Hàn Quốc dù mang tiếng bỏ trốn.

Đua thuyền dù đã đạt đến đẳng cấp châu lục nhưng vẫn không nhận được sự đầu tư xứng đáng

Chỉ có trường hợp của Tạ Đình Đức là không thành công khi anh về quê từ năm 2005 trong bộ dạng thảm hại, chẳng dư được đồng nào. Càng đáng nói hơn khi những người có trách nhiệm lại chẳng đả động đến việc anh trở về thậm chí còn vô tư để Đình Đức tham dự giải vật toàn quốc và đoạt HCV vào năm 2010.

Đa số họ đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó và việc họ bỏ trốn cũng chỉ là bước đường cùng hướng đến việc mưu sinh. Thế nhưng, việc ngành thể thao làm ngơ không có biện pháp trừng phạt xứng đáng cho hành động bán rẻ màu cờ sắc áo khi trở về thì quả thật chẳng biết nên nói làm sao!

Lỗ hổng văn hóa hay sự bạc đãi?

Khi đội rowing quốc gia bất ngờ đoạt HCB ở nội dung thuyền đôi và đồng đội nữ, người ta mới biết được rằng thu nhập của những VĐV như Đặng Thị Hạnh, Đặng Thị Thắm, Nguyễn Thị Hựu, Trần Thị Sâm chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng chưa kể phụ cấp. Rồi đến khi chuẩn bị cho SEA Games 26, đội rowing nam của Nguyễn Phương Đông đội phải tập luyện trong giá rét tại hồ Tây mà không có trang phục giữ ấm. Tiền ăn, uống của họ mỗi ngày chỉ vỏn vẹn 150.000 đồng, chẳng đủ để bồi dưỡng cho bản thân chứ đừng nói đem đủ tiền về nuôi gia đình. Với mức thu nhập như thế, thử hỏi làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến mà không bị dao động?

Môn vật lại càng khổ nữa. Rủi ro ở môn này rất cao, nặng có thể tàn phế suốt đời. Hẳn mọi người còn nhớ tấm gương của đô vật nữ Nguyễn Thị Huệ bị chấn thượng nặng trước thềm SEA Games 22 dẫn đến việc bị tàn tật, mọi sinh hoạt phải trông chờ vào người mẹ già đã ở tuổi thất thập chăm lo. Thế nhưng, ngành thể thao đã không có những lời động viên, thăm hỏi giúp đỡ về mặt vật chất kịp thời để cô có 1 cuộc sống tạm đủ sau khi chia tay sàn đấu. Với kiểu “vắt chanh, bỏ vỏ” như thế, rất khó để đòi hỏi các VĐV theo nghiệp thể thao đến cùng.

Đô vật Nguyễn Thị Huệ

Hàng năm ngân sách dành cho ngành thể thao chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng chi tiêu ngân sách quốc gia, khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đây là số tiền rất ít lại chi tiêu theo kiểu dàn trải, thành thử thu nhập của VĐV không đáng là bao. Đối với thể thao chuyên nghiệp yêu cầu tối thiểu là VĐV phải “sống” được bằng nghề và có khả năng cống hiến lâu dài. Nhưng 2 yêu cầu đó giờ trở nên quá khó trong điều kiện của TTVN hiện tại.

Một nguyên nhân khác khiến cho các VĐV Việt Nam hành xử rất kém chính là lỗ hổng văn hóa. Lâu nay, TTVN có tình trạng là phát hiện được VĐV năng khiếu rồi đưa lên tuyển nuôi theo kiểu “gà chọi” cho tập luyện để lấy thành tích mà không cần quan tâm đến việc trang bị kiến thức đến nơi đến chốn. Vì thế, không lạ khi có rất nhiều môn thể thao như cử tạ, vật…có đầy những VĐV mù chữ hay trình độ chưa hết…tiểu học. Số VĐV trưởng thành từ học đường hay học hành đến nơi đến chốn, có bằng cử nhân đại học là rất ít. Với trình độ và sự  nhận thức có phần hạn hẹp như thế việc họ hành xử kém cỏi là điều có thể hiểu được.

Khi một VĐV đã không sống được bằng nghề, phải chọn cách từ bỏ màu cờ sắc áo đội tuyển trốn ra nước ngoài để kiếm sống thì đó là nỗi đau của một nền thể thao đang dành quá nhiều sự ưu ái cho bóng đá…

NGUYỄN ĐĂNG

Theo Infonet.vn 

NGUYỄN ĐĂNG

Theo Infonet.vn 

Bạn có thể quan tâm