Nội chiến ở Nam Tư cũ bùng phát từ cuối tháng 2/1998, khi Quân đội giải phóng Kosovo (KLA) đòi ly khai khỏi sự quản lý của Cộng hòa Liên bang Nam Tư ( Serbia và Montenegro). KLA tổ chức tấn công vào đồn cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật ở Kosovo. Belgrade (thủ đô Nam Tư cũ) triển khai quân đội và xung đột bùng phát dữ dội. Ảnh: AP. |
Người tị nạn Albani vội vã chạy khỏi Kosovo sang các nước láng giềng để lánh nạn. Sau nhiều giải pháp ngoại giao thất bại, NATO tiến hành can thiệp quân sự vào Kosovo và gọi đây là "cuộc chiến nhân đạo". Ảnh: AP. |
Ngày 24/3/1999, các chiến hạm của Mỹ trên biển bắt đầu phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu của quân đội Serbia. Trên không, hàng trăm máy bay được lệnh xuất kích trong chiến dịch tập kích đường không lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất. Ảnh: AFP. |
Lực lượng phòng không quân đội Serbia đánh trả các đợt tập kích đường không của máy bay NATO. Đây là chiến dịch quân sự đầu tiên mà Mỹ sử dụng máy bay ném bom tàng hình cùng bom thông minh JDAM để tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, bên cạnh các loại bom không điều khiển. Ảnh: Reuters. |
Các đợt không kích của NATO gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng cho các thành phố lớn của Nam Tư cũ và khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng. Mục tiêu của NATO là buộc quân đội Serbia rút quân, tạo ra một thỏa thuận có lợi cho người Albani. Đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của NATO mà không có sự phê duyệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Balkan Transitional Justice. |
Quân đội NATO do Mỹ dẫn đầu với sức mạnh quân sự áp đảo, đặc biệt là sự xuất hiện tham chiến của máy bay ném bom tàng hình F-117A Nighthawk và các vũ khí dẫn đường công nghệ cao nhanh chóng đánh bại sức mạnh quân đội Serbia. Ngoại trừ Hy Lạp, toàn bộ các nước NATO đều tham gia chiến dịch ở những mức độ khác nhau. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Tiêm kích F-16 của Mỹ chuẩn bị cất cánh từ căn cứ Aviano, Italy. Sau 78 ngày không kích, với sự tham gia của khoảng 1.000 máy bay, các hàng không mẫu hạm của Mỹ trên biển Adriatic, quân đội Serbia đầu hàng và ký Hiệp ước Kumanovo, rút quân khỏi Kosovo và trao quyền quản lý lại cho lực lượng quốc tế. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Đối với người Albani từng phải chạy trốn khỏi Kosovo khi cuộc xung đột bùng phát, việc quân đội Serbia đầu hàng là một tin mừng. Sự kiện này đã mở đường cho họ trở lại Kosovo, chấm dứt những ngày tháng tị nạn nơi đất khách quê người. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Nhưng đối với người Serb, khi quân đội NATO tiến vào Kosovo cũng là ngày mà họ phải rời đi theo Hiệp định Kumanovo. Một nửa dân số người Serb bị trục xuất khỏi Kosovo, biến Serbia trở thành quốc gia có số người tị nạn cao nhất châu Âu. Theo Belgrade, khoảng 200.000 người Serb và Romania buộc phải rời khỏi Kosovo, nơi họ đã sinh sống hàng thế kỷ. Ảnh: AFP. |
Quân đội Serbia rời khỏi Kosovo dưới sự giám sát của quân đội NATO. Dobrosav Jakovljevic, 73 tuổi, người Serb, hiện sống ở bắc Kosovo, đã đổ lỗi cho lãnh đạo Nam Tư cũ Slobodan Milosevic về cuộc chiến. Nhưng ông cũng đổ lỗi cho NATO không công bằng với người dân vô tội. "Người Albani có mọi thứ họ muốn, còn chúng tôi mất tất cả", ông Jakovljevic nói với AFP. Ảnh: AP. |
Đoàn xe của người Serb rời khỏi Kosovo sau chiến tranh. 20 năm sau, những vết thương do bom đạn có thể đã lành, nhưng đối với người dân, ký ức về những ngày tháng đau thương, bị hãm hiếp, cưỡng bức vẫn chưa thể nguôi ngoai. Ảnh: AP. |