Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vết sẹo đau đớn của những nạn nhân bị hãm hiếp từ chiến tranh Kosovo

Hàng nghìn phụ nữ từng bị hãm hiếp ở Kosovo trong cuộc chiến 20 năm trước phải chịu đựng nỗi đau trong im lặng và đang vật lộn để được công nhận là nạn nhân chiến tranh dân sự.

chien tranh Kosovo anh 1
Một nạn nhân từng bị hiếp dâm trong chiến tranh đứng trong khu rừng gần nhà ở vùng Drenica, miền Trung Kosovo. Cô bị 8 cảnh sát Serb cưỡng hiếp dưới tầng hầm nhà của một người họ hàng vào tháng 4/1999, khi cô 16 tuổi. Sau khi chiến tranh kết thúc, cô kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi với hy vọng nỗi đau sẽ nguôi ngoai. Cô đang nộp đơn xin trợ cấp chính phủ cho các nạn nhân bạo lực tình dục thời chiến với mức lương 230 euro (260 USD) một tháng cho đến cuối đời.
chien tranh Kosovo anh 2
Để đủ điều kiện nhận trợ cấp, các nạn nhân phải cung cấp chi tiết về các cuộc tấn công trong quá trình nộp đơn dài đòi hỏi bằng chứng về hiếp dâm, bao gồm hồ sơ y tế, ghi chú trị liệu và lời khai nhân chứng. Đó là một quá trình mệt mỏi và đau đớn nếu muốn được công nhận hợp pháp là nạn nhân dân sự của cuộc chiến. 
chien tranh Kosovo anh 3
Sanije Salihu cầm bức ảnh của con gái Vjollca, người bị hãm hiếp và tra tấn trong chiến tranh. Vjollca biến mất vào một đêm năm 1998 tại quê nhà Gjakova ở miền Tây Kosovo. Nhiều tuần sau, Sanije tìm thấy con gái trong bệnh viện ở thủ đô Belgrade của Serbia. Sanije đã đưa cô con gái bị liệt trở về Kosovo và chăm sóc cho đến khi Vjollca chết vì vết thương, vào năm 2006.
chien tranh Kosovo anh 4
Hàng nghìn phụ nữ đã bị hãm hiếp ở Kosovo khi người Serb và lực lượng dân tộc Albania chiến đấu để kiểm soát lãnh thổ hai thập kỷ trước. Theo các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động, lực lượng của lãnh đạo người Serb Slobodan Milosevic sử dụng hiếp dâm như công cụ chiến tranh. Mục tiêu của họ là phá hủy danh dự và bản sắc của người Albania. Mặc dù Kosovo cuối cùng đã tuyên bố độc lập khỏi Serbia, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc đối với những người sống sót khi họ phải chịu đựng trong im lặng.
chien tranh Kosovo anh 5
Cái nắm tay của hai chị em từng bị hãm hiếp cùng lúc trong cuộc chiến. Họ không tìm kiếm sự tư vấn từ bất kỳ tổ chức phi chính phủ nào và không nói với bất cứ ai về vụ cưỡng hiếp ngoài chồng của họ. Cảm giác xấu hổ và kỳ thị trong xã hội bảo thủ của Kosovo khiến nhiều nạn nhân không dám lên tiếng. Trong một số trường hợp, vợ và con gái đã bị đuổi ra khỏi nhà sau khi gia đình phát hiện họ bị hãm hiếp.
chien tranh Kosovo anh 6
Ngày 24/3 đánh dấu kỷ niệm 20 năm bắt đầu chiến dịch ném bom kéo dài 78 ngày của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để loại bỏ lực lượng của Milosevic khỏi Kosovo. Hầu hết tội ác chiến tranh, bao gồm các vụ hãm hiếp, xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/1999, khi các lực lượng Serbia trả thù người dân tộc Albania ở Kosovo. Đàn ông cũng là đối tượng bị bạo lực tình dục.
chien tranh Kosovo anh 7
Luli là nạn nhân nam từng bị hiếp dâm. Anh đã được điều trị và tư vấn tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho nạn nhân bị tra tấn Kosova ở Pristina. Tổ chức phi chính phủ này là một trong bốn tổ chức ở Kosovo giúp đỡ những nạn nhân bạo lực tình dục. Luli bị cảnh sát Serb hãm hiếp khi anh 21 tuổi. Anh đã kể với cha mình những gì xảy ra sau khi trở về nhà với thương tích trên mình. Cha anh bảo không được nói với bất kì ai để bảo vệ danh dự gia đình, nếu không họ sẽ phải chuyển đi nơi khác.
chien tranh Kosovo anh 8
Vasfije Krasniqi Goodman là nạn nhân bạo lực tình dục đầu tiên từ cuộc chiến Kosovo chia sẻ câu chuyện của mình trên truyền hình mà không che giấu danh tính. Tháng 10/2018, cô nói với một khán giả ở Pristina những gì đã xảy ra với cô gần 20 năm trước, khi cô bị cảnh sát Serb bắt cóc và cưỡng hiếp khi mới 16 tuổi.
chien tranh Kosovo anh 9
Bài nói chuyện của cô được phát toàn quốc trên đài truyền hình của Kosovo. Goodman hiện sống ở Texas với gia đình và trở về quê hương để chia sẻ câu chuyện của mình. Cô tiếp tục kể câu chuyện của bản thân trên khắp thế giới như một phần của chiến dịch "Be My Voice" của Trung tâm phục hồi nạn nhân Kosova nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
chien tranh Kosovo anh 10
Một nạn nhân đứng cạnh cửa sổ trong nhà của cô ở ngôi làng phía tây Kosovo, gần biên giới với Albania. Đến nay, chưa có cá nhân nào bị bỏ tù vì tội hiếp dâm trong chiến tranh.
chien tranh Kosovo anh 11
Nữ tổng thống đầu tiên của Kosovo, Atifete Jahjaga, nắm tay một nạn nhân từng bị hiếp dâm thời chiến trong chuyến thăm văn phòng của tổ chức phi chính phủ Medica Gjakova ở Pristina. Trong nhiệm kỳ của mình, bà đã tích cực thúc đẩy việc công nhận những người sống sót sau bạo lực tình dục là nạn nhân chiến tranh dân sự, yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn cho họ từ cả chính phủ và xã hội.
chien tranh Kosovo anh 12
Các nạn nhân tham gia một buổi trị liệu theo nhóm với các cố vấn từ Medica Gjakova. Nhiều người phải di chuyển từ những ngôi làng xa xôi để bí mật gặp gỡ và trị liệu.

Tài xế taxi nhốt thiếu nữ vào hầm ngục, ép làm nô lệ tình dục

Cảnh sát tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vừa bắt giữ một người đàn ông hơn 50 tuổi vì tội bắt cóc một thiếu nữ, giữ cô làm nô lệ tình dục trong hầm ngục gần một tháng.

Phụ nữ Myanmar bị bán sang TQ làm nô lệ tình dục ngày càng gia tăng

Myanmar và Trung Quốc đang thất bại trước nạn buôn bán tàn bạo các phụ nữ Myanmar sang Trung Quốc làm nô lệ tình dục, theo một báo cáo mới nhất.

Tuyết Mai

Theo Politico

Bạn có thể quan tâm