100 năm trước, khoa thi Tiến sĩ cuối cùng diễn ra, đánh dấu sự kết thúc của nền khoa cử Nho học Việt Nam kéo dài suốt 844 năm (tính từ khoa Tam trường Ất Mão tuyển Minh kinh bác học năm Thái Ninh thứ tư (1075) vua Lý Nhân Tông triều Lý đến năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định năm thứ tư (1919) triều Nguyễn).
Nhân mốc thời gian này, ngày 15/8/2019 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khoa cử nho học Việt Nam (1075-1919) - 100 năm nhìn lại”.
Nền khoa cử tuyển chọn quan lại
Đây là một diễn đàn khoa học có chất lượng cao, với quy mô 9 tiểu ban được chia theo các chủ đề của 62 báo cáo tham luận gửi đến Hội thảo. Các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam, quốc tế đã tập trung thảo luận về tiến trình phát triển của khoa cử Nho học, các giai đoạn manh nha, phát triển, đỉnh cao, thoái trào, cũng như ảnh hưởng sâu rộng của khoa cử Nho học trong lịch sử văn hoá Việt Nam... Bên cạnh đó, hội thảo cũng nêu những bài học kinh nghiệm của quá khứ đối với vấn đề giáo dục đào tạo nhân tài hiện nay.
Chủ tịch đoàn điều hành hội thảo. |
Trong hơn 800 năm tồn tại, khoa cử Nho học Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò trong việc đào tạo đội ngũ trí thức quan lại nho học, có đóng góp to lớn trong suốt tiến trình lịch sử trung đại Việt Nam. Khoa cử chính là một hình thức chủ yếu để tuyển dụng quan lại, mục đích tuyển chọn những người có đủ đức, đủ tài bổ sung cho bộ máy chính quyền nhà nước quân chủ. Việc thực thi giáo dục và khoa cử luôn tồn tại những quy định ngặt nghèo, bắt buộc các thí sinh phải vượt qua. Đã có gần 3.000 nhà khoa bảng được tuyển chọn từ các kỳ thi cấp quốc gia.
Nền khoa cử cũng để lại một hệ thống văn miếu, văn bia, văn từ, văn chỉ… phong phú, đa dạng và đặc sắc từ trung ương đến các xã thôn. Giáo dục khoa cử tạo nên những “gia đình khoa bảng”, “dòng họ khoa bảng” với đặc điểm nổi bật là có nhiều người theo đuổi việc học hành và nối đời đỗ đạt, nhiều người cũng trở thành tấm gương tiêu biểu về tinh thần học tập. Nhiều học giả cũng đánh giá cao truyền thống văn hóa của người Việt có gốc nền giáo dục khoa bảng.
Đến giữa thế kỷ 19, nền giáo dục và khoa cử Việt Nam truyền thống đã bộc lộ những vấn đề bất cập về hình thức, nội dung và phương pháp học tập thi cử. Chính vì lẽ đó đã bắt đầu xuất hiện những nhân vật cải cách, đưa ra những đề xuất canh tân đất nước, trong đó có những đề xuất cải cách giáo dục.
Sau hòa ước 1884, thực dân Pháp đã chuyển từ chế độ dùng tướng lãnh quân sự sang chế độ dùng văn thần, thiên về xu hướng duy trì những thiết chế đang có ở Việt Nam trong đó có khoa cử để phục vụ cho quyền lợi của người Pháp. Tổ chức thi cử sau 1884 hầu như không có gì thay đổi về văn bài, đề thi, cách thức thi. Thi Hương thi Hội ba năm một kì vẫn được tổ chức như xưa (Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội). Bên cạnh việc duy trì chế độ khoa cử lạc hậu, chính quyền thực dân đã thành lập hệ thống giáo dục Pháp - Việt từ năm 1886.
Thí sinh trúng tuyển diễn hành qua các giám khảo trong kỳ thi 1897. Ảnh tư liệu. |
Những năm thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 đã chứng kiến sự thay đổi của lĩnh vực giáo dục, gây tác động sâu sắc đến thượng tầng kiến trúc xã hội. Khoa cử Nho học với lịch sử 844 năm bắt rễ trong xã hội Việt Nam đã mất đi địa vị độc tôn của nó để thay thế bằng một hệ thống giáo dục kiểu mới.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, cho biết bản thân các nhà Nho cấp tiến của Việt Nam lúc đó đã nhận thấy sự lỗi thời của khoa cử Nho học, từ đó họ chủ trương một phong trào duy tân dựa trên những nguyên tắc giáo dục mới, họ ủng hộ những cải cách giáo dục sâu rộng diễn ra vào đầu thế kỷ 20 nhằm xoá bỏ lối cử nghiệp Nho học.
Để rồi, sau bước đệm là chương trình cải lương giáo dục khoa cử từ năm 1906, năm 1919 kỳ thi Hội cuối cùng diễn ra ở Trung kỳ, và Dụ ngày 14/7/1919 của vua Khải Định tuyên bố về việc áp dụng Luật giáo dục mới đã chính thức đặt dấu chấm hết cho khoa cử Nho học truyền thống để chuyển sang hệ thống giáo dục kiểu mới.
Kết thúc 100 năm vẫn còn giá trị ảnh hưởng
Mặc dù nền khoa cử đã kết thúc 100 năm, nhưng trên thực tế, ảnh hưởng của nền khoa cử truyền thống ấy vẫn còn đậm nét trong ý thức xã hội Việt Nam sau này. Việc trở lại với những giá trị Nho giáo từ đạo đức học đường tới tư tưởng quản trị xã hội vẫn thường xuyên được đặt ra, thậm chí ngay cả khi nền giáo dục hiện đại theo kiểu phương Tây đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong xã hội.
Theo GS, TS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học quốc gia Hà Nội - sự kết thúc của khoa cử Nho học 100 năm trước và sự thay thế chữ Hán (văn tự chính thức) là một tất yếu lịch sử, nhưng đã để lại những hệ lụy.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Phó Trưởng ban Tổ chức hội thảo trình bày đề dẫn báo cáo. |
Giáo sư cho biết, hiện nay, trên 99% người không biết chữ Hán, chỉ còn một nhóm người nhỏ biết loại chữ này. Tình trạng người Việt không hiểu từ nguyên hiện nay là tương đối phổ biến. 75-80% chữ người Việt Nam đang dùng đều viết dưới mỗi từ câu một chữ Hán, nghĩa là có gốc từ nguyên (TS Nguyễn Tuấn Cường thông tin thêm là con số thống kê lâu nay vẫn dựa trên văn bản chính luận nên tỷ lệ từ Hán Việt cao, còn nếu thống kê trên các phương diện thì trong ngôn ngữ tiếng Việt chưa đến 40%).
Dù không cổ súy cho việc dạy chữ Hán tượng hình, nhưng Giáo sư Giang cho rằng đã đến lúc nên dạy cho lớp trẻ nghĩa từ nguyên (chữ Hán).
“Tôi xin nhắc lại, 75-80% chữ người Việt Nam đang dùng như Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc… đều viết dưới mỗi từ câu một chữ Hán, nghĩa là có gốc từ nguyên. Nghĩa từ nguyên của nó là từ chữ Hán”, ông Giang nói.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQG Hà Nội phân tích, từ nguyên phải được dạy không phải theo nghĩa tầng nông mà phải hiểu sâu, nhất là những chữ thông dụng.
Theo GS Giang, từng từ ấy, có lẽ phải thống kê ra một số lượng nào đó để chúng ta dạy cho học sinh biết rằng từ này có nghĩa gốc sâu xa là thế này để học sinh dùng chuẩn hơn; hay là tìm ra những từ hay dùng nhầm mà người ta dùng lẫn âm mà không hiểu nghĩa. Cần phải thống kê ra một số lượng nào đó để chúng ta dạy cho học sinh biết rằng từ này có nghĩa gốc là thế này để học sinh dùng chuẩn hơn; hay là tìm ra những từ hay dùng nhầm mà người ta dùng lẫn âm mà không hiểu nghĩa.
Giáo sư cũng cho rằng, muốn cải cách giáo dục, có thể rất nhiều biện pháp, học nước ngoài, học trong nước, nhưng phải tìm hiểu cái nguồn lạch của giáo dục đi tới hôm nay là thế nào? Lúc đó mới có thể có được giải pháp cải cách giáo dục hiệu quả hơn.