Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhìn khó khăn bằng con mắt hài hước…

Tôi từng có những ngày tháng tiêu hoang và cũng có những lúc bần hàn, tay trắng…

Hau ly hon anh 1

Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Sau ly hôn, mẹ con tôi có nhiều lần chuyển nhà. Mỗi một lần chuyển, căn hộ tôi thuê lại bé hơn, bất tiện hơn một chút. Nhưng dù hiện thực thế nào, tôi cũng cố gắng nhìn nhận bằng con mắt hài hước, lạc quan hơn để con không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Căn hộ đầu tiên tôi mua được bằng tiền tiết kiệm và vay mượn ở khu tập thể cũ. Nó chật đến nỗi nằm ở phòng ngủ phải thò chân ra phòng khách mới đủ chiều dài. Nhưng mẹ con tôi rất sung sướng.

“Con có thấy nhà ai nằm trong phòng ngủ mà thò được chân ra phòng khách không? Nhà mình rất độc đáo và chúng ta rất may mắn vì được trải nghiệm trong nhiều căn nhà khác nhau”, tôi bảo con như thế.

Nhật cũng chẳng kém phần hài hước, sau khi tham quan nhà vệ sinh đã reo lên. “Nhà vệ sinh ở đây thích cực mẹ ơi, có hai hòn gạch, khi đi ị rất mát".

Mẹ con tôi cứ thế lần lượt khám phá ra những cái hay, cái tốt của ngôi nhà cũ kỹ ấy. Hiện thực sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào góc nhìn của bạn là tiêu cực hay tích cực.

Tôi cũng không nghĩ điều đó sau này trở thành thói quen. Khi tiếp cận một vấn đề nào đó trong cuộc sống hay đối diện với một việc khó, mẹ con tôi hay chọn cách hài hước hóa để thấy nhẹ nhõm, dễ dàng vượt qua hơn.

Thời đó, tôi phải dạy thêm cả ca tối để có thêm thu nhập. Không đi dạy thì tôi đi dự sự kiện, phỏng vấn cho công việc tòa soạn báo mà tôi cộng tác. Đi đâu, tôi mang con theo đó. Trong khi những đứa trẻ khác yên ổn trong chăn ấm ở những căn nhà tiện nghi hơn thì Nhật lang thang ở sân trường, ở hành lang một nơi tổ chức sự kiện chờ mẹ.

Thường phải tới chín, mười giờ đêm tôi mới dạy xong. Chạy ra tìm con mới thấy ngoài sân trường lạnh giá quá. Có lần con bị đau bụng nhưng vẫn cố chịu đựng, vì sợ phá buổi dạy của mẹ. Thấy con cứ đập mông vào gốc cây để nhịn vì sợ bĩnh ra quần mà thương muốn khóc. Nhưng ít khi tôi than khổ hay ủy mị trước con mà thường phải nghĩ cách để con thấy vui, nhẹ nhàng vượt qua nỗi khổ.

Có tối, sau giờ dạy thêm tôi dẫn con đi ăn bánh bèo. Đói quá nên mẹ con tôi xơi tất đồ ế của quán. Tôi kể cho con về Lỗ Trí Thâm, nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, nổi tiếng vì ăn khỏe, rồi ví chúng tôi ăn như Lỗ Trí Thâm vậy. Con khoái trí vì so sánh ấy. Sau này khi con trưởng thành, chúng tôi cũng khấm khá hơn, thỉnh thoảng con vẫn bảo tôi “mẹ con mình trốn đi ăn kiểu Lỗ Trí Thâm đi". Tôi chợt hiểu những kỷ niệm sâu sắc nhất thường có ở thời nghèo khó, vất vả. Cũng có thể vì nghèo khó, vất vả thì mới có nhiều chỗ hơn cho sự yêu thương chăng.

Thời hai mẹ con sống với nhau cũng là thời tôi chịu khó đưa con đến những nơi thưởng thức văn hoá nhiều nhất. Dù rất bận, rất mệt, nhưng tôi không bỏ qua những cơ hội đưa con đi xem phim, nghe nhạc, đi xem kịch, thậm chí xem cả khi nhà hát chạy vở. Tôi muốn con không vì sự vất vả của mẹ mà thiếu thốn những món ăn tinh thần. Có lẽ chính những ngày lang thang đó khiến Nhật có những trải nghiệm khác với bọn trẻ cùng lứa.

Chu Hồng Vân/Nhà xuất bản Dân trí

SÁCH HAY