Một đạo luật yêu cầu các CLB phải đăng ký và sử dụng cầu thủ U23 sẽ tạo động lực cho bóng đá trẻ Việt Nam. Ảnh: AFC |
Chiến công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2018 là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá trẻ Việt Nam. Trước đó, U16 Việt Nam đã vào tới tứ kết châu Á năm 2016, U20 Việt Nam giành vé dự World Cup trẻ 2017.
Sau thành công của đội tuyển U23, nhiều ý kiến cho rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nên hành động để tăng thêm cơ hội cho các cầu thủ trẻ ở V.League. VFF và VPF có thể yêu cầu các đội bóng đưa nhiều cầu thủ U23 vào danh sách đăng ký và cho họ thi đấu nhiều hơn tại giải quốc nội.
Trao đổi với Zing.vn về chủ đề này, Tổng Giám đốc SLNA Nguyễn Hồng Thanh khẳng định: “SLNA hoàn toàn ủng hộ đề nghị này. Nhưng tôi nghĩ ta không nên thực hiện ngay. VPF nên tiến hành khảo sát các đội bóng để nắm được chính xác số lượng cầu thủ U23 ở V.League. Sau đó, ta nên thông báo cho các đội sớm 1 tới 2 năm để họ chuẩn bị. Sau 2 năm, chúng ta chính thức áp dụng quy định mới thì khả năng đề án thành công sẽ cao hơn”.
“Việc quy định mỗi CLB ra sân phải có cầu thủ U23 trong đội hình sẽ tạo lợi thế cho các đội sở hữu lò đào tạo trẻ tốt. Các ông bầu sẽ xây dựng nhiều lò đào tạo hơn trong khi cầu thủ trẻ cũng có thêm cơ hội. Việc này có thể bắt đầu từ mùa giải 2019”.
Trong đội hình U23 Việt Nam giành ngôi Á quân châu Á 2018, SLNA có 2 cái tên là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Bên cạnh họ, Hà Nội FC và HAGL cùng đóng góp rất nhiều cầu thủ. Sự trưởng thành của những Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Văn Thanh ở V.League đã giúp ích rất nhiều cho tuyển U23.
Nếu VPF quy định mỗi CLB phải sử dụng các cầu thủ U23, cơ hội của thủ thành Bùi Tiến Dũng ở Thanh Hóa sẽ trở nên rõ ràng. |
Cựu HLV trưởng U23 Việt Nam Phan Thanh Hùng bổ sung thêm: “Tôi ủng hộ đề xuất tạo cơ hội cho cầu thủ U23 Việt Nam. Nhưng chúng ta phải xem xét ý kiến này thật kỹ. Ta nên đề nghị đăng ký họ trong danh sách chứ không nên bắt các đội bóng phải đưa họ vào sân. Nếu họ chấn thương hết thì đội bóng làm sao sử dụng họ được? Đăng ký một số cầu thủ U23 trong cả mùa bóng thì được chứ bắt mỗi trận đều phải đưa họ vào sân thì tôi thấy rất khó”.
Một vấn đề khác cũng được các chuyên gia quan tâm là chuyện thành tích. Sử dụng quá nhiều cầu thủ U23 liệu có làm ảnh hưởng tới kết quả và tham vọng của đội bóng?
Ông Thanh phân tích: “Chuyện này phải tùy theo chủ trương của mỗi CLB. Ta nhìn HAGL mà xem. Họ không cần thành tích và hài lòng vì cầu thủ trẻ của mình được ra sân. Nhưng có những CLB lại cần thành tích cao. Bài toán này phải cân bằng đôi bên và tùy theo mỗi CLB”.
Thống kê cho thấy phần lớn đội hình U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo đều được đá chính tại V.League 2017. Tuy nhiên, không phải đội bóng nào dùng nhiều cầu thủ U23 cũng đạt được thành công. HAGL, SLNA vẫn ngụp lặn ở nhóm cuối bảng trong CLB Hà Nội luôn nằm trong tốp đầu.
Nếu VFF và VPF thực sự muốn thay đổi, họ nên tham khảo cách làm của giải Ngoại hạng Anh hoặc giải quốc nội Singapore. Người Anh quy định mỗi đội bóng phải có 8/25 cầu thủ trong danh sách là các “homegrown” (tài năng trẻ tự đào tạo) trong khi Singapore cho phép tuyển U23 thi đấu ở giải quốc nội dưới cái tên Young Lions FC. Cách làm của Anh hay Singapore đều là những ví dụ tốt mà bóng đá Việt Nam có thể tham khảo trong tương lai.