Trưa 24/1, một số khu vực thuộc huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), Việt Trì (Phú Thọ) bất ngờ xuất hiện mưa đá kéo dài khoảng 10 phút. Mật độ mưa đá không quá dày đặc với kích thước không quá to, bán kính khoảng 1-2 cm.
Theo những hình ảnh người dân ghi lại được, bầu trời các khu vực này tối sầm trước khi trận mưa bắt đầu.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ bất ngờ khi mưa đá xuất hiện vào đúng 30 Tết. Thời điểm này hiếm khi xảy ra những hiện tượng như mưa đá, giông lốc.
Thái Nguyên, Phú Thọ bất ngờ xuất hiện mưa đá vào trưa 30 Tết. Trước trận mưa, bầu trời tối sầm lại. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết rãnh áp thấp của không khí lạnh tạo ra kết hợp với gió hội tụ trên cao đã khiến vùng trung du Bắc Bộ có mưa rào. Trong đó, các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lạng Sơn xảy ra mưa đá, giông lốc.
Ông Hưởng nhận định mưa đá là hiện tượng hiếm gặp ở thời điểm này. Theo đó, tác động của không khí lạnh sẽ khiến toàn Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa rào trong đêm giao thừa. Mưa rào đi kèm với giông lốc và thời tiết bắt đầu chuyển rét, nền nhiệt các khu vực chỉ còn 16-18 độ C.
Mùng 1 Tết (25/1), mưa có xu hướng mở rộng xuống khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ chủ yếu ở trạng thái rét đậm kèm theo mưa rào và giông. Nền nhiệt thấp nhất trong ngày phổ biến ở 13-15 độ C.
Trong 5 ngày Tết, một số vùng trung du, miền núi phía bắc vẫn cần đề phòng những hiện tượng cực đoan như mưa đá, giông lốc. Riêng các khu vực núi cao như Sa Pa, Mẫu Sơn, nhiệt độ có thể xuống ngưỡng 3-5 độ C, khả năng xảy ra băng giá.
Như vậy, người dân các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ đón Tết cổ truyền trong thời tiết không quá thuận lợi cho việc vui chơi, du xuân. Người dân cần chủ động giữ ấm cơ thể, bảo vệ sức khỏe trong những ngày Tết sắp tới.