Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều tỉnh miền Trung cảnh báo lũ lớn, sạt lở núi

Quảng Ngãi, Bình Định cảnh báo lượng mưa cực đoan 600 mm và nguy cơ lũ lớn, sạt lở đất.

Ngày 26/11, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, cho biết từ đêm 27 đến ngày 1/12, các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ có khả năng lên mức báo động 2-3, có sông trên mức báo động 3.

Mưa lớn kéo dài gây nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối ở các huyện miền núi; ngập lụt ở vùng trũng, thấp và TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ cùng 5 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức.

Canh bao mua lu mien Trung anh 1

Mưa lũ gây ngập sâu nhiều khu dân cư ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trong đợt mưa lũ giữa tháng 11 vừa qua. Ảnh: Minh Hoàng.

Trong khi đó, Đài Khí tượng thủy văn Bình Định dự báo từ đêm 26 đến ngày 30/11, địa phương có mưa vừa đến mưa lớn.

Lượng mưa dự báo phổ biến 300-500 mm, có nơi trên 600 mm. Lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có khả năng xuất hiện. Nhiều địa phương ở Bình Định đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Canh bao mua lu mien Trung anh 2

Núi lở tàn phá người dân ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng vừa phát đi bản tin mưa lớn ở miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, từ đêm 26 đến ngày 30/11, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên mưa vừa tới mưa lớn.

Cụ thể, ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lượng mưa phổ biến 300-500 mm, có nơi trên 600 mm. Khu vực Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận mưa từ 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Lượng mưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi là 300-500 mm, có nơi trên 600 mm.

Trong một tháng, Bình Định ghi nhận nhiều địa điểm sạt lở núi kéo theo hàng chục nghìn khối đất, đá tàn phá nhà cửa của người dân, gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ 1D, tỉnh lộ.

Trong đó, khu vực núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, có ba điểm sạt lở với hơn 25.000 m3 đất, đá đổ ập xuống vùi lấp đường sá, cống thoát nước, tràn vào nhà dân.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phương án ứng phó khi xảy ra sự cố sạt lở núi, trong đó lưu ý lập chốt chặn, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Vì sao Bình Định liên tục xảy ra sạt lở núi?

Mưa lớn kéo dài kết hợp với việc đào bới núi để làm nhà hoặc phá núi làm đường đã gây ra tình trạng lở núi ở Bình Định.

Núi Cấm liên tục sạt lở, bùn nhão tràn vào nhà dân

Hàng nghìn khối đất, đá đổ ập xuống khu dân cư khi núi Cấm ở huyện Phù Cát (Bình Định) sạt lở. Bùn nhão dày từ 0,5 đến hơn 1 m tràn vào nhà dân.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm