Trong một tháng, Bình Định ghi nhận nhiều địa điểm sạt lở núi kéo theo hàng chục nghìn khối đất, đá tàn phá nhà cửa của người dân, gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ 1D, tỉnh lộ.
Trong đó, khu vực núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, xuất hiện ba điểm sạt lở với hơn 25.000 m3 đất, đá đổ ập xuống vùi lấp đường sá, cống thoát nước, tràn vào hàng chục nhà dân.
Bùn chảy tràn vào nhà dân dưới chân núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Ảnh: Minh Hoàng. |
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, địa phương này đã tổ chức sơ tán 130 hộ dân với hơn 450 nhân khẩu dưới chân núi đến ở xen ghép nhà người thân và trường Tiểu học Cát Thành.
Núi đồi sạt lở cũng phá hỏng nhiều nhà dân ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát và tổ 49, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Mái taluy dương núi Bà Hỏa phía mặt đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) cũng bị sạt lở, cuốn theo nhiều tảng đá lớn rơi xuống khiến 3 người đi đường bị thương.
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết cuối năm ngoái, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh từng phối hợp với các ngành, địa phương có cuộc khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở. Theo đó, địa phương có 6 khu vực tiềm ẩn lở núi, nguy hiểm nhất là khu vực núi Một (khu phố 1) và khu vực Hóc Bà Bếp (khu phố 5, cùng phường Đống Đa).
Nhiều tảng đá lăn từ trên núi xuống gây hỏng nhà dân ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Trong khi đó, ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, cho hay núi lở liên tục xảy ra ở TP Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Vân Canh gần đây đáng báo động.
Theo ông Chương, ngoài nguyên nhân mưa lớn kéo dài thì việc đào bới chân núi để làm nhà hoặc phá núi làm đường đã gây ra tình trạng sạt lở đất.
Riêng khu vực núi Cấm (huyện Phù Cát) liên tục xảy ra sạt lở còn do những năm gần đây người dân trồng cây keo. Đây là loại cây có tầng rễ nông, hút nước nhiều, không có tác dụng giữ đất. Trong khi đó, mưa lớn kéo dài, địa chất tơi xốp ngậm quá nhiều nước gây ra tình trạng sạt lở.
Trước tình hình núi lở diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phương án ứng phó khi xảy ra sự cố sạt lở núi.
Núi lở gây nguy hiểm cho người dân trên tuyến đường ven biển Đề Gi (huyện Phù Cát). Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Long cho rằng nhiều khu vực đồi núi trên địa bàn tỉnh đang bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là những khu vực đồi núi đá phong hóa, nguy cơ sạt lở rất cao. Do vậy, các địa phương phải lập chốt chặn ở những nơi có nguy cơ sạt lở để cảnh báo cho người dân.
“Sau đợt mưa lũ lớn này, tỉnh sẽ khảo sát, đánh giá lại địa chất ở những khu vực sạt lở để có giải pháp tổng thể nhằm xử lý hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”, ông Long cho hay.
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, khuyến cáo các địa phương cần chủ động sử dụng những bản đồ về hiện trạng và phân vùng cảnh báo sạt lở; đồng thời tích hợp bản đồ này vào những quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều chỉnh quy hoạch sao cho an toàn, hợp lý.
Vị trí nào có nguy cơ sạt lở cao thì địa phương không nên quy hoạch phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, nhà cửa hay khu tái định cư. Những khu vực này cần trồng rừng phòng hộ để chống sạt lở.