5,5 tỷ đồng là doanh thu ngày đầu tiên của Zara tại thị trường Việt Nam. Ra mắt lần đầu tiên tại Vincom Đồng Khởi (TP.HCM) vào năm 2016, Zara mở đường cho nhiều thương hiệu khác tiến vào thị trường Việt Nam như H&M, Decathlon, Uniqlo, Haidilao Hot Pot…
Cuộc đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài
Sau thành công của Zara, năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục dậy sóng khi H&M mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM với diện tích 2.200 m2 - cửa hàng thời trang quy mô nhất thời điểm đó. Bước đi của H&M chứng minh tiềm năng của thị trường Việt Nam, tạo làn sóng khai trương cho hàng loạt thương hiệu quốc tế những năm tiếp theo.
Năm 2019, thương hiệu thể thao Pháp Decathlon mở cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Hà Nội, hay chuỗi bán lẻ mỹ phẩm châu Á Watsons cũng ra mắt tại TP.HCM.
Ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đặt chân đến Việt Nam. |
Ấn tượng nhất là đợt sóng mở rộng của các thương hiệu lớn trong năm 2020. Bước đi "lội ngược dòng" này chứng minh sức hút và triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nổi bật là Uniqlo khi lần lượt mở thêm 5 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM trong vòng 7 tháng.
Thương hiệu Nhật Bản Muji cũng đặt dấu chân đầu tiên tại Việt Nam với cửa hàng tại TP.HCM. Thương hiệu thời trang thể thao Fila Bắc tiến với 2 cửa hàng liên tiếp tại Vincom Center Phạm Ngọc Thạch và Vincom Mega Mall Ocean Park, Hà Nội.
Ở mảng ẩm thực - lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhất, thương hiệu lẩu Trung Hoa Haidilao Hot Pot tiến vào thị trường Hà Nội, mở liên tiếp 3 cửa hàng trong năm và đều tọa lạc ở các TTTM lớn.
Trong vòng chưa đầy 5 năm, người tiêu dùng Việt đã tìm thấy các thương hiệu fast fashion, phụ kiện, mỹ phẩm quốc tế được yêu thích ngay tại sân nhà. Cuộc đổ bộ của thương hiệu thời trang nước ngoài góp phần tạo thói quen mua sắm trực tiếp tại các TTTM, đáp ứng đa dạng nhu cầu dịch vụ của khách hàng.
Mẫu số chung của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam
Hầu hết thương hiệu quốc tế đều chọn mặt bằng thuộc các TTTM làm nền móng cho sự phát triển tại Việt Nam. Tại đây, các thương hiệu có thể sở hữu lượng khách hàng mua sắm lớn nhờ vị trí trung tâm và dễ dàng “cộng sinh” cùng các dịch vụ khác. Savills Việt Nam dự đoán TTTM sẽ là tương lai mới cho bán lẻ, đặc biệt sau tác động của dịch Covid-19. Nơi đây có lượng khách hàng ổn định, không gian đảm bảo an toàn sức khỏe, an tâm cho người tiêu dùng.
Mặt bằng TTTM càng thể hiện rõ nét lợi thế tại thị trường tỉnh. Nhiều thương hiệu tiến vào các thị trường mới nổi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Bình Dương… đều lựa chọn đặt cửa hàng trong TTTM.
Hệ thống TTTM Vincom chạm mốc 80 cơ sở trên 43 tỉnh thành. |
Trong tháng 1 vừa qua, H&M đồng loạt khai trương 2 cửa hàng tại Vincom Hùng Vương (Cần Thơ) và Vincom Hạ Long (Quảng Ninh). Sự hiện diện của H&M đã thu hút tín đồ thời trang tại địa phương và khu vực lân cận. Các năm trước đó, nhiều thương hiệu quốc tế sớm có mặt tại thị trường tỉnh như Mango, H:Connect… Các thương hiệu thể thao quen thuộc với khách hàng Việt như Adidas, Nike, Levi’s cũng dần tìm được chỗ đứng với chuỗi cửa hàng trong các TTTM tại Cà Mau, Bình Dương, Nha Trang…
Trên con đường các thương hiệu quốc tế mở rộng và phát triển tại Việt Nam không thể thiếu sự đồng hành của hệ thống TTTM. Nhờ mạng lưới dự án rộng và dày trên cả nước, sở hữu vị trí trung tâm và khả năng nhận diện tốt, Vincom được nhiều đối tác quốc tế lựa chọn để hợp tác.
Với gần 1,7 triệu m2 mặt sàn bán lẻ cùng 80 TTTM trên 43 tỉnh thành, Vincom Retail hiện là nhà sở hữu, phát triển và vận hành TTTM lớn tại Việt Nam với quy chuẩn TTTM và tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế.
Dự kiến trong năm 2021, Vincom Retail tiếp tục khai trương các TTTM lớn như Vincom Mega Mall Smart City, mang đến trải nghiệm thác nước LED trình diễn ánh sáng trong nhà độc đáo và các Vincom Plaza tại Mỹ Tho, Bạc Liêu…, đáp ứng nhu cầu của các thương hiệu bán lẻ trong nước lẫn quốc tế.
Được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới năm 2020, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục là điểm đến dành cho các thương hiệu bán lẻ, ẩm thực, dịch vụ quốc tế. Với nền tảng hạ tầng mặt bằng bán lẻ tốt và liên tục mở rộng, người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, bắt kịp xu hướng thế giới.
Bình luận