Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều startup tại ASEAN đang nỗ lực biến rác thải nhựa thành 'vàng'

Các quốc gia trong khối ASEAN đang phải đối mặt với bài toán rác thải nhựa nhức nhối và đã có nhiều doanh nghiệp non trẻ nổi lên để giải quyết vấn đề này.

Khi còn nhỏ, cô Syukriyatun Niamah (28 tuổi, Indonesia) được cha khuyến khích khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh bằng việc cắm trại và leo núi. Tuy nhiên, những gì còn lại hiện tại chỉ là rác thải nhựa tràn lan.

Theo Nikkei Asia, việc bao bì nhựa ngổn ngang khắp bờ sông, bờ biển và đôi khi làm nghẽn nguồn nước, rác tràn lan khắp các ngả đường và những khu tập kết khổng lồ ngày đêm nghi ngút khói là cảnh tượng quen thuộc với nhiều người Đông Nam Á.

Hình ảnh đó đã ám ảnh cô Niamah và khiến cô thành lập Robries - một công ty khởi nghiệp nhằm biến rác thải thành các sản phẩm tiêu dùng thay vì để chúng gây ô nhiễm.

xu ly rac thai nhua anh 1

Các nước ASEAN đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về rác thải nhựa.

Mô hình kinh doanh bền vững

Theo học đại học ngành thiết kế sản phẩm, cô Niamah đã tự tìm tòi, thí nghiệm để tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm hữu ích ngay từ ban đầu.

Hiện tại, Robries đã mở rộng thêm nhiều nhân công để cung cấp đa dạng mặt hàng, từ bàn ghế, bình vại, khay và cả đồng hồ được thiết kế đẹp mắt. Một chiếc ghế được làm hoàn toàn bằng rác tái chế có giá 626.000 rupiah (41 USD), còn một bộ 4 lót ly được bán với giá 150.000 rupiah.

“Chúng tôi đang tìm cách tiến vào thị trường quốc tế, nhưng trước đó, chúng tôi cần mang sản phẩm của mình đi khắp Indonesia để khuyến khích mọi người tham gia phong trào sống không rác thải”, cô Niamah cho biết.

Hiện tại, doanh nghiệp non trẻ này đang trong giai đoạn kêu gọi vốn ở vòng series B với mục tiêu 250.000 USD. Họ đã thành công tái chế được 4 loại nhựa - bao gồm polypropylene, polyethylene mật độ cao, polyethylene mật độ thấp và polystyrene chịu lực - và đang nghiên cứu công nghệ để mở rộng khả năng hơn nữa.

“Bằng cách mang đến một góc nhìn mới về rác thải nhựa, tôi mong có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người về thói quen tiêu dùng”, cô Niamah chia sẻ.

xu ly rac thai nhua anh 2

Các sản phẩm của Robries.

Còn tại Việt Nam, ReForm Plastic - một công ty chuyên chuyển hóa nhựa giá trị thấp thành vật liệu xây dựng và các thành phẩm khác - đã thành công và đang mở rộng ra nhiều chi nhánh khắp Đông Nam Á.

Sử dụng kỹ thuật nén khuôn, ReForm Plastic đã biến nhựa thải thành các tấm vật liệu và dùng chúng làm nguyên liệu gốc để sản xuất thành phẩm tiêu dùng, tương tự như quá trình sản xuất gỗ, kim loại hay bìa carton.

Cô Kasia Weina - đồng sáng lập ReForm - cho biết startup này đã biến hơn 500 tấn nhựa giá trị thấp thành sản phẩm hữu ích và xử lý được 6.000 tấn rác thải trong năm 2022. Hiện tại, công ty đặt mục tiêu nâng từ 8 lên 100 cơ sở cho đến năm 2030 và tăng công suất từ 6.000 lên 100.000 tấn rác thải nhựa.

"Bằng việc nhân rộng mô hình và trở thành lựa chọn hàng đầu để xử lý rác thải kém chất lượng, chúng tôi sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực đến môi trường", cô Weina chia sẻ.

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Trên thực tế, sử dụng đồ nhựa vẫn còn là một vấn đề lớn tại Đông Nam Á khi các loại đồ uống thường được bán trong ly nhựa và các hàng quán thì sử dụng bao bì dùng một lần cho các món mang về.

Dù nhiều nơi đã nỗ lực đổi sang ống hút giấy, muỗng đũa gỗ hay bao bì phân hủy sinh học thì vẫn chưa đủ để dừng dựa dẫm vào đồ nhựa. Và vấn đề này còn trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi dịch vụ vận chuyển thực phẩm trở nên phổ biến.

“So với những nơi khác, Nam Á và Đông Nam Á sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần nhiều hơn do giá rẻ và tiện lợi”, ông Prak Kodali - đồng sáng lập Công ty sản xuất Đồ dùng phân hủy sinh học pFibre - cho biết.

Và trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thân thiện với môi trường ở ASEAN phải tìm cách để thúc đẩy một "nền kinh tế tuần hoàn". Mục tiêu của họ là giảm thiểu hoặc loại bỏ chất thải do con người tạo ra trong bối cảnh các chính phủ tại châu Á ngày càng quan tâm đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

xu ly rac thai nhua anh 3

Rác thải khắp bờ biển ở một số nước ASEAN.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất các startup trong ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn khi gây dựng vốn. Nhất là trong bối cảnh giới đầu tư đang bị áp lực từ kinh tế vĩ mô bất ổn, lãi suất cho vay và lạm phát tăng cao.

Theo báo cáo tháng 1/2023 của Refinitiv, tổng giá trị đầu tư cho các doanh nghiệp thân thiện với môi trường đã giảm tới 24% trong năm 2022 khi chỉ đạt 159,3 tỷ USD - thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

May mắn thay, vẫn có nhiều tổ chức sẵn sàng đứng ra hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn. Incubation Network - một mạng lưới kết nối các nhà đầu tư với những startup có mục tiêu bảo vệ môi trường - đã giúp thu hút 59 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2019.

Cùng năm đó, hãng quản lý vốn Circulate Capital đã tung ra khoản đầu tư dành riêng cho các công ty khởi nghiệp chuyên mảng xử lý rác thải trên biển.

“Kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro là 2 điều cần thiết để ấp ủ các startup, giúp họ có thể trở thành tương lai của ngành quản lý, tái chế rác thải”, bà Caroline Wee - giám đốc của Circulate Capital - cho biết.

Hết thời tiền rẻ, startup chịu áp lực bán mình năm 2023

Các công ty khởi nghiệp đang lên kế hoạch IPO hay chuẩn bị cho một thương vụ mua lại quy mô lớn có thể chịu nhiều áp lực và gây thất vọng trong năm 2023.

Sau 2 năm đóng băng, doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ tới Mỹ để IPO

Các startup Trung Quốc đang bắt đầu trở lại thị trường chứng khoán Mỹ để huy động vốn sau một thời gian kiểm soát nghiêm ngặt.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Hằng Nga

Ảnh: Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm