Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Đậu mùa khỉ

Nhiều quốc gia đang thiếu phương án xử lý trước đậu mùa khỉ

Vaccine, thuốc điều trị hay thiết bị xét nghiệm đậu mùa khỉ hiện đều chỉ được sử dụng tại các nước phát triển, có nguồn thu nhập cao.

Trong vòng một tháng qua, mỗi ngày, bác sĩ Alberto Mendoza, chủ một phòng khám HIV tại Lima (Peru), liên tiếp phải thăm khám cho các bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Những bệnh nhân này tỏ ra đau đớn bởi những tổn thương do loại virus này gây ra. Đa số bệnh nhân bày tỏ sự lo lắng khi những vết loét này xuất hiện ngoài da một cách rõ ràng và trở thành một cách nhận dạng họ là đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

Điều này còn trở nên nguy hiểm hơn khi Peru là quốc gia có sự phân biệt gay gắt với những người đồng tính.

Đứng trước tình trạng này, BS Mendoza bày tỏ sự bất lực: “Tôi không có nhiều sự lựa chọn để xử lý cho các bệnh nhân. Các loại thuốc kháng virus hay vaccine đều đang được sử dụng chủ yếu tại Mỹ và châu Âu. Tại Peru, những mặt hàng này không có sẵn”.

Vị bác sĩ này chia sẻ đây là thực tế dù Peru là một trong những quốc gia có số ca mắc đậu mùa khỉ cao nhất tính theo mật độ dân số.

Thiếu vaccine, thuốc và mâu thuẫn trong quyết định của WHO

Tại Brazil, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin quốc gia này có tới gần 10% ca mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu. Tuy nhiên, Brazil hiện cũng không có vaccine và thuốc kháng virus dành cho căn bệnh này.

Tương tự, các quốc gia thuộc khu vực Tây và Trung Phi cũng đã phải vật lộn với dịch bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều thập kỷ qua mà không có đầy đủ các phương pháp xử lý.

thieu thuoc dau mua khi anh 1

Nhiều quốc gia đang phát triển không có vaccine hay thuốc kháng virus dù có nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya.

Tại Mỹ và châu Âu, cuộc tranh giành vaccine và thuốc điều trị đậu mùa khỉ cũng xảy ra khi nguồn cung cấp vaccine đang có xu hướng cạn kiệt. Hơn 100 quốc gia cũng đang báo cáo phần lớn trường hợp mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận không có vaccine hay phương pháp điều trị nào được áp dụng.

Các quốc gia này đã phải tạm dừng việc nhập khẩu các sản phẩm này do chi phí quá cao. Mặt khác, các quốc gia phát triển, nguồn lực mạnh đã mua hầu hết sản phẩm vaccine, thuốc có sẵn.

Mỹ hiện là quốc gia đang kiểm soát hầu hết lượng vaccine - loại ban đầu được phát triển dành cho bệnh đậu mùa và là một phần của chiến lược vũ khí sinh học sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Trong bối cảnh đó, một nhóm y tế công cộng đang chỉ trích WHO vì chưa có nhiều động thái đảm bảo công bằng trong tiếp cận với thiết bị xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine đậu mùa khỉ. Nhất là sau khi cơ quan này đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ngày 23/7 vừa qua.

WHO đã dự báo các vấn đề này có thể sẽ lặp lại như với dịch Covid-19 nhưng không đưa ra bất cứ cơ chế nào để điều chỉnh sự cân bằng.

Hiện tại, rất khó để thống kê chính xác số người mắc đậu mùa khỉ ở các quốc gia đang phát triển do nhiều trường hợp không được chẩn đoán bệnh - điều vốn được làm thông qua xét nghiệm rRT-PCR.

Hầu hết kết quả xét nghiệm ở các quốc gia bùng phát dịch đậu mùa khỉ trong quá khứ đều chỉ ở mức độ giám sát, tức lấy mẫu bệnh phẩm của một cộng đồng dân cư, từ đó, tìm ra tỷ lệ mắc trong khu vực đó.

Trong khi đó, việc xét nghiệm để chẩn đoán cho từng người là gần như không có, nhất là những trường hợp sống ở vùng nông thôn, thưa dân cư.

Tiến sĩ Boghuma Titanji, trợ lý giáo sư Y khoa của Đại học Emory, người từng ứng phó với đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ năm 2018 tại Cameroon, cho biết: “Chúng tôi không có quyền truy cập vào hệ thống xét nghiệm tại châu Phi khi đó. Bởi vậy, chúng tôi không nắm được các ca bệnh xuất hiện ở đâu. Đây là một phần nguyên nhân của sự thiếu thuốc, vaccine khi chúng ta không thể điều phối các trang thiết bị tới một nơi không biết rõ vị trí ca bệnh”.

Đến nay, hầu hết trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ là người châu Phi. Thế giới hiện ghi nhận 2 loại chủng đậu mùa khỉ khác nhau. Một chủng gây nguy cơ tử vong cao hơn đang xuất hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia lân cận. Chủng còn lại có độc lực nhẹ hơn ở Tây Phi và đang xuất hiện tại các quốc gia phát triển.

Dù số ca tử vong do đậu mùa khỉ khá hiếm, nhiều trường hợp là trẻ em, phụ nữ mang thai vẫn có nguy cơ lớn. Mặt khác, bệnh cũng gây ra cảm giác đau đớn mạnh cho người mắc.

Sự lây lan virus đậu mùa khỉ tại các quốc gia phát triển đã bắt đầu từ 4 tháng trước và gây ra cuộc tranh giành vaccine gay gắt. Dù chưa có vaccine đặc hiệu cho đậu mùa khỉ, các dữ liệu nghiên cứu từ động vật cho thấy vaccine chống lại virus đậu mùa có liên quan chặt chẽ và có thể ngăn ngừa sự lây lan virus đậu mùa khỉ.

Tương lai của vaccine, thuốc kháng virus đậu mùa khỉ

Trong cuộc tranh giành đó, vaccine đậu mùa Jynneos do công ty Bavarian-Nordic của Đan Mạch sản xuất là loại dễ sử dụng nhất và có ít tác dụng phụ thấp nhất.

Bavarian-Nordic có khoảng 16 triệu liều vaccine, hầu hết trong số đó thuộc sở hữu hoặc hợp đồng với Mỹ, quốc gia này đã đóng góp hơn một tỷ USD để phát triển vaccine này như chiến lược phòng thủ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Các quan chức của quốc gia này lo ngại thủy đậu có thể được sử dụng như một dạng vũ khí sinh học.

Những liều vaccine này của Mỹ được coi là một kho dự trữ quốc phòng với số lượng lớn.

Trong khi đó, khoảng một triệu liều vaccine còn lại đã nhanh chóng được Canada, Australia và các nước châu Âu bắt đầu mua từ tháng 5 vừa qua.

thieu thuoc dau mua khi anh 2

Quá trình sản xuất và phân phối vaccine, thuốc kháng virus đậu mùa khỉ còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: mat_napo.

Đến nay, không có liều vaccine nào được mua hoặc đặt hàng cho các nước châu Phi. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Jynneos do Viện Y tế Quốc gia quản lý cũng đang được tiến hành thực hiện ở Congo. Tuy nhiên, quốc gia này không có sẵn vaccine cho nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với ca mắc.

James Krellenstein, nhà sáng lập của PrEP4All (một tổ chức vận động tiếp cận sinh phẩm y tế), cho hay: “Đây là giai đoạn quan trọng nhất để giúp kiểm soát sự bùng phát dịch đậu mùa khỉ trên toàn cầu”.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có liều vaccine nào được chỉ định để tiếp cận tới người dân toàn cầu.

Một phân tích của tổ chức vận động chính sách Public Citizen ước tính các quốc gia phát triển đang sử dụng vaccine Jynneos phải trả 110 USD cho mỗi liều. Paul Chaplin, Giám đốc Bavarian-Nordic, cho biết vaccine có mức giá chung ở tất cả thị trường và sẽ chỉ chiết khấu cho những khách hàng mua số lượng lớn.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Mendoza cho biết đối với một đất nước như Peru, mức giá này là quá đắt.

Trong khi đó, chi nhánh của WHO tại khu vực Mỹ Latinh đã đảm bảo tài trợ một số lượng nhỏ vaccine cho khu vực này. Bộ Y tế Brazil cũng đã xác nhận họ dự kiến ​​sẽ nhận được 50.000 liều vaccine trong thời gian tới.

Dù vậy, các nhóm y tế công cộng vẫn đánh giá hành động của WHO đến nay đang trở nên hỗn loạn và vô nghĩa.

Ông Krellenstein nói: “Bất chấp tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng từ WHO về chiến lược tiêm vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm cho các quốc gia cần chúng. Họ có vẻ đã không thận trọng khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khi không thông tin bất cứ điều gì về các công cụ ứng phó.”

Về ý kiến này, tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc bộ phận Chuẩn bị và Phòng chống dịch bệnh, đại dịch của WHO, cho biết giải pháp phản ứng toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ rất phức tạp do hầu hết can thiệp y tế đang thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trên người và không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

“Mọi người cho rằng đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp nên mọi việc phải được giải quyết nhanh nhất. Tuy nhiên, đây vẫn là nhiệm vụ dài hạn. Chúng tôi cũng đang cố gắng rút ngắn thời gian giữa mỗi bước và đẩy nhanh tiến độ nhưng mọi việc không dễ dàng như vậy. Chúng ta phải đảm bảo mọi thứ diễn ra an toàn và hiệu quả”, bà nói

Mặt khác, thuốc kháng virus tecovirimat, được bán trên thị trường Mỹ với tên gọi Tpoxx, đã được thử nghiệm an toàn ở người. Trước đó, hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ đã được thử nghiệm trên động vật linh trưởng.

Hai thử nghiệm lâm sàng trên người để kiểm tra tính hiệu quả với bệnh đậu mùa ở khỉ đang được tiến hành. Kết quả thử nghiệm lần đầu tiên sẽ được báo cáo dữ liệu vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu trên người cho thấy WHO chưa thể thực hiện quy trình sơ tuyển, qua đó giúp các quốc gia đẩy nhanh việc cấp phép thuốc kháng virus.

Tiến sĩ Mendoza cho biết trong trường hợp không có vaccine, tecovirimat có thể giúp làm chậm sự lây lan của virus bằng cách giảm các triệu chứng, từ đó, bệnh nhân có ít nguy cơ lây nhiễm hơn.

Nhưng chi phí hiện cũng là một vấn đề lớn. Tecovirimat được sản xuất bởi Siga Technologies, một công ty ở New York (Mỹ). Trong nhiều năm qua, công ty này đã sản xuất hàng loạt sản phẩm Tecovirimat chỉ để bán cho chính phủ Mỹ, phục vụ mục đích dự trữ an ninh quốc gia cho bệnh đậu mùa.

Tháng 4 vừa qua, Canada đã ký hợp đồng mua loại thuốc này với giá 920 USD/liều.

“Chúng tôi muốn loại thuốc này được tiếp cận rộng rãi”, tiến sĩ Phil Gomez, Giám đốc điều hành của Siga, khẳng định.

Ông thông tin Siga có thể sản xuất 500.000 liều mỗi năm và hiện hãng có sẵn sản phẩm để vận chuyển từ các kho của mình. Công ty này cũng sẵn sàng mở rộng sản xuất với nhiều hợp đồng hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây các vấn đề thần kinh

Một nghiên cứu cho thấy 2-3% bệnh nhân đậu mùa khỉ trở nên rất yếu sau khi nhiễm bệnh và mắc các vấn đề thần kinh nghiêm trọng, bao gồm co giật và viêm não.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm