Giải đấu World Cup 2022 có kinh phí tổ chức lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: FIFA. |
Theo CNBC, việc đăng cai tổ chức World Cup là cơ hội giúp nước chủ nhà có thể quảng bá, phát triển du lịch, ngoại thương, nguồn nhân lực... Tuy nhiên, để nhận về những lợi ích trên, quốc gia đó sẽ phải đánh đổi bằng một nguồn kinh phí khổng lồ.
Chính phủ Qatar đang chi khoảng 229 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022, biến đây trở thành giải đấu đắt đỏ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Số tiền mà Qatar bỏ ra cho sự kiện thể thao năm nay cao gần gấp 5 lần tổng số tiền 48,63 tỷ USD được các nước chủ nhà đầu tư để đăng cai giải đấu này từ năm 1990-2018.
Nhọc nhằn tổ chức giải đấu
Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã nhận trái đắng khi chi tiền quá mạnh tay để tổ chức World Cup. Những hậu quả từ bội chi cho cơ sở hạ tầng và sân vận động đã khiến một số nước chủ nhà lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều công trình trở nên lãng phí khi ít được đưa ra sử dụng sau khi giải đấu khép lại.
Việc giành quyền đăng cai World Cup có thể là một quá trình kéo dài cả thập kỷ. Các quốc gia phải gửi bản đề xuất đấu thầu tới cơ quan quản lý bóng đá quốc tế. Cùng với đó là chứng minh bản thân có đủ khả năng để thực hiện mục tiêu cải thiện phạm vi tiếp cận toàn cầu của môn thể thao này.
Sau đó, tổ chức sẽ chấm điểm các đề xuất từ 2 hạng mục chính, gồm cơ sở hạ tầng và thương mại. 9 tiêu chí được cân nhắc theo mức độ quan trọng khác nhau, trong đó sân vận động được coi là tiêu chí quan trọng nhất. Miễn thuế cũng là một yếu tố cấp thiết bởi nước chủ nhà sẽ được yêu cầu phải biến các sân vận động và địa điểm liên quan đến World Cup trở thành những khu vực miễn thuế.
Trong khi đó, 3 nguồn thu chính của FIFA đến từ phát sóng, bán vé và doanh thu tiếp thị. Tổ chức này cũng tài trợ kinh phí cho các quốc gia đăng cai trong các hoạt động chung của giải đấu. Trong năm 2022, FIFA đã chi khoảng 1,7 tỷ USD cho Qatar, bao gồm 440 triệu USD tổng tiền thưởng cho các đội. World Cup 2022 tại Qatar dự kiến mang về doanh thu 4,7 tỷ USD cho FIFA.
Các quốc gia đăng cai dựa vào tác động kinh tế, cả ngắn hạn và dài hạn, thu được từ giải đấu để tạo ra lợi nhuận. Sự phát triển về du lịch, lưu trú tại khách sạn, cơ hội công việc, mức doanh thu trung bình tại các nhà hàng và doanh nghiệp địa phương là những ví dụ về các chỉ số kinh tế ngắn hạn.
Tuy nhiên, một số quốc gia nhận quyền đăng cai nhưng không có các cơ sở hạ tầng hoặc sân vận động đạt đủ tiêu chí của FIFA sẽ phải chi thêm một khoản tiền khổng lồ để xây mới. Nhiều hạng mục thậm chí không được tận dụng và bị bỏ hoang sau khi giải đấu kết thúc.
Sân vận động Mane Garrincha tại thủ đô Brazil bị bỏ hoang sau khi World Cup kết thúc. Ảnh: The Athletic. |
Vào World Cup 2014, Brazil đã chi 11,6 tỷ USD để tổ chức giải đấu này. Nhiều công trình mới đã được xây dựng như hạ tầng giao thông, sân vận động và khách sạn.
Khi giải đấu kết thúc, những tổn thương mà nền kinh tế nước này phải chịu đựng mới dần lộ diện. Sân vận động Mane Garrincha ở Brasilia, với chi phí xây dựng gần 1 tỷ USD, đang được sử dụng làm kho chứa xe buýt.
Bên cạnh đó, những sự kiện biểu tình diễn ra tại đây ngày càng nhiều. Họ chỉ trích FIFA và các quan chức chính quyền địa phương đã sử dụng phung phí nguồn ngân sách quốc gia để tổ chức World Cup thay vì phục vụ đời sống của người dân bằng các dịch vụ xã hội.
Những vấn đề của Qatar
Qatar đã dành hơn một thập kỷ để chuẩn bị cho giải đấu World Cup 2022. Với sự thúc ép về mặt thời gian, quốc gia này đã bỏ ra số tiền lên tới 500 triệu USD/tuần để tăng tiến độ xây dựng các công trình.
Tuy nhiên, nhiều nghi vấn về sự minh bạch của FIFA trong việc tuyển chọn quốc gia đăng cai đã được đặt ra. Năm 2015, 41 quan chức FIFA bị truy tố về các tội danh hối lộ, gian lận và tham nhũng.
Các công nhân đang làm việc hết công suất để đáp ứng thời hạn tổ chức World Cup 2022. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ vậy, vào năm 2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã báo cáo về nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền xuất phát từ những áp lực mà công nhân lao động tại Qatar phải gánh chịu trong việc đáp ứng thời hạn tổ chức World Cup 2022.
Khoảng 1,7 triệu lao động nhập cư, chiếm 90% tổng lực lượng lao động ở quốc gia này, hầu hết đều nhận mức lương thấp và phải sinh sống, làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Tuy nhiên, việc đăng cai World Cup luôn được coi là một vinh dự lớn vì bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất trên thế giới với hơn 5 tỷ người hâm mộ trên toàn cầu. Vinh dự đó sẽ thuộc về Mỹ, Canada và Mexico trong lần đăng cai tiếp theo vào năm 2026. Mỹ từng tổ chức World Cup 1994, đây được coi là giải đấu thành công nhất trong quá khứ khi thu hút hơn 3,5 triệu người hâm mộ đặt chân đến xứ cờ hoa.
Việc một số quốc gia đăng cai World Cup có thể là một ý tưởng tồi. Tuy nhiên, đó sẽ không phải là lý do khiến người hâm mộ ngừng theo dõi giải đấu với hy vọng đội tuyển của họ sẽ mang về chiến thắng vẻ vang cho quốc gia.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế