Tuần vừa qua, Mỹ đã bốn lần phá vỡ kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong một ngày, theo dữ liệu được tổng hợp bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins.
Từ ngày 25/6 đến 1/7, Mỹ - hiện vẫn là quốc gia có số ca dương tính và tử vong do virus corona cao nhất trên toàn thế giới - đã có bốn ngày ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm mới.
Ngày 1/7, Mỹ cũng ghi nhận 51.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Đây là lần đầu tiên con số này vượt qua mức 50.000 ở Mỹ, theo Guardian.
Y tá Tanya Markos thực hiện xét nghiệm virus corona trên bệnh nhân Ricardo Sojuel tại một trạm xét nghiệm Covid-19 di động vào ngày 2/7 tại Lawrence, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AP. |
Mỹ Latin vất vả chống dịch
Số ca nhiễm ở Mỹ vẫn đang tăng trong bối cảnh đại dịch đe dọa cuộc sống của người dân ở một khu vực rộng lớn hơn. Số hạt ở Mỹ hội đủ các tiêu chí để trở thành điểm nóng Covid-19 nhiều hơn gần 10 lần so với hồi tháng 4, khi đại dịch lên đỉnh điểm, tờ New York Times đưa tin.
Tính đến ngày 3/7, Mỹ đã có 2.739.230 ca dương tính được xác nhận và 128.743 trường hợp tử vong.
Brazil, quốc gia chỉ đứng sau Mỹ về số ca mắc virus corona và tử vong trên thế giới, đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm sau khi tăng thêm 48.105 trường hợp mới vào hôm 2/7. Brazil có tới 1.496.858 ca nhiễm và 61.884 người tử vong vì nhiễm virus corona. Trong tuần qua, Brazil đã ít nhất ba lần ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao hơn 40.000.
Mexico cũng ghi nhận mức tăng số ca nhiễm hàng ngày kỷ lục với 6.741 trường hợp dương tính và 679 người tử vong vào hôm 2/7. Tổng số người chết ở đất nước này đã lên đến 29.189 người.
Người phục vụ bàn đeo khẩu trang và tấm chắn mặt để ngăn chặn sự lây lan của virus corona tại nhà hàng Sanborns of the Azulejos ở Mexico City hôm 1/7. Ảnh: AP. |
Trước việc số ca nhiễm tăng đột biến ở bang Arizona của Mỹ, người đứng đầu cơ quan y tế ở bang Sonora của Mexico - bang cạnh bên Arizona - đã yêu cầu chính phủ liên bang Mexico tạm thời đóng cửa biên giới và ngăn những chuyến đi không cần thiết từ phía Mỹ.
Liên Hợp Quốc đã dự đoán rằng hơn 2,7 triệu doanh nghiệp có thể phá sản và 8,5 triệu người ở Mỹ Latin có thể thất nghiệp do cuộc khủng hoảng Covid-19. Ủy ban kinh tế khu vực của Liên Hợp Quốc cho biết các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng, nhiều cái trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhiều nơi có số ca nhiễm tăng trở lại
Ở Australia, bang Victoria vẫn đang vật lộn để ngăn chặn một ổ dịch mới. Hôm 3/7, Australia đã ghi nhận thêm 66 ca nhiễm mới. Bộ trưởng Y tế Australia, bà Jenny Mikakos, hôm 3/7 cho biết đã có bằng chứng về một ca “siêu lây nhiễm” trong ổ dịch ở Victoria.
Tại Tokyo, Nhật Bản, hơn 120 ca nhiễm mới đã được ghi nhận vào hôm 3/7, tờ Nikkei Asian Review đưa tin. Trước đó, hôm 2/7, thành phố này có thêm 107 trường hợp dương tính mới, con số cao nhất trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản- với mong muốn vực dậy nền kinh tế đang suy thoái - cho biết không có kế hoạch tái lập tình trạng khẩn cấp vừa được dỡ bỏ vào ngày 25/5.
Bà Yuriko Koike, thống đốc Tokyo, có vẻ như sẽ giành chiến thắng trong nỗ lực tái tranh cử vào ngày 5/7. Cách xử lý dịch Covid-19 của bà thống đốc đã giành được nhiều sự đồng thuận. Gần 6.400 ca trong khoảng 19.000 ca nhiễm virus corona ở Nhật Bản đã được ghi nhận tại Tokyo.
Trong khi đó, Hàn Quốc báo cáo thêm 63 trường hợp nhiễm virus corona vào hôm 2/7. Hầu hết số ca này là các ca lây nhiễm bên ngoài Seoul. Số ca nhiễm gia tăng đã khiến các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt lại ở một thành phố vì nguy cơ dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ hai khiến các quan chức lo lắng.
Lần đầu tiên sau gần hai tháng, số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ ở các thành phố khác ở Hàn Quốc vượt qua số ca nhiễm ở thủ đô Seoul. Thành phố Gwangju, thành phố phía tây nam Hàn Quốc, đã ghi nhận hơn 50 ca dương tính trong vài ngày qua. Điều này khiến hoạt động tại các cơ sở công cộng như thư viện và bảo tàng bị đình chỉ.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ca ngợi “thành công rực rỡ” trong việc ngăn chặn đại dịch của Triều Tiên, KCNA đưa tin hôm 3/7. Ông Kim đã đưa ra nhận xét trên tại một buổi họp hôm 2/7 của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên về công tác chống dịch và tác động của virus.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi Triều Tiên tiếp tục cảnh giác trước dịch bệnh tại một buổi họp hôm 2/7 của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Triều Tiên chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus corona. Tuy nhiên, đất nước này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, trường học và đưa hàng nghìn người đi cách ly.
Theo các nhà phân tích, hệ thống y tế của Triều Tiên sẽ gặp rắc rối nếu phải đối phó với đại dịch.
Những nhân viên người lớn tuổi ở viện dưỡng lão cho người trên 65 tuổi và những người mắc chứng mất trí nhớ được xét nghiệm Covid-19 thường xuyên từ ngày 6/7.
Khách du lịch từ Anh đến Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Đức sẽ không cần phải cách ly trong 14 ngày khi quay trở về Anh. Anh cũng sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Ở tỉnh Gauteng của Nam Phi, tỉnh có thành phố Johannesburg và thủ đô Pretoria, hàng trăm nhân viên y tế đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Trên khắp Nam Phi, hơn 2.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Trong khi đó, một bác sĩ sản khoa hàng đầu đã khuyên phụ nữ ở Papua New Guinea không nên mang thai trong vòng hai năm tới. Bác sĩ này nói rằng nỗi sợ lây nhiễm Covid-19 đã khiến phụ nữ mang thai không dám đi đến bệnh viện. Điều này đã dẫn đến cái chết của ít nhất một trẻ sơ sinh.
Trên toàn thế giới, số ca nhiễm virus corona đã gần đạt đến 11 triệu. Hiện tại, thế giới đã ghi nhận 10.842.615 ca nhiễm và 520.785 trường hợp tử vong vì Covid-19, theo Guardian.