“Tất cả ngôi làng này đều đặc biệt khô hạn. Khi nhận được yêu cầu khoan giếng, chúng tôi bắt đầu từ sớm và làm đến tối muộn, hơn 15 tiếng mỗi ngày”, Gao Pucha, 42 tuổi, dẫn đầu một đội khoan ở làng Dashan, thành phố Cửu Giang, Trung Quốc, cho biết.
Ở một ngôi làng khác gần đó, một người đàn ông họ Chen, 72 tuổi, đã lùng sục khắp các cánh đồng để tìm những ngọn lúa còn sót lại từ máy gặt và mang về cho gà ăn.
“Mè, ngô, khoai lang, bông vải ở các vùng đất khô hạn đều bị chết khô”, ông Chen nói với Reuters.
Ông nói thêm rằng chỉ những cánh đồng lúa mới có thể lấy nước từ các hồ chứa gần đó “nên tình trạng tốt hơn một chút”.
Trung Quốc đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về hạn hán vào đầu tháng 8, khi nhiệt độ cao kỷ lục tiếp tục thiêu đốt các khu vực dọc sông Trường Giang.
Một đội khoan giếng làm việc ở khu vực hạn hán ngoại ô thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, vào ngày 27/8. Ảnh: Reuters. |
Hôm 24/8, tỉnh Giang Tây đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với hạn hán, từ cấp 3 lên cấp 4, mức cao nhất trong hệ thống xếp hạng 4 cấp của Trung Quốc. Tỉnh Giang Tây là một trong 13 vùng sản xuất ngũ cốc lớn của nước này.
Nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp và khiến hàng loạt nhà máy ngừng hoạt động trên khắp đất nước.
Chỉ trong tháng 7, nhiệt độ cao đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp 2,73 tỷ nhân dân tệ (400 triệu USD) cho Trung Quốc, ảnh hưởng đến 5,5 triệu người và 457.500 mẫu đất, theo dữ liệu được chính phủ công bố hôm 25/8.