“Tôi biết có một gia đình dưới đống đổ nát”, Omer El Cuneyd nói khi đứng giữa hiện trường động đất ở thành phố Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ.
“Cho đến 11h hoặc trưa, bạn tôi vẫn nghe điện thoại, nhưng giờ cô ấy không còn trả lời nữa. Cô ấy ở dưới đó. Tôi nghĩ điện thoại đã hết pin”, Cuneyd nghẹn ngào nói và hy vọng vào một điều kỳ diệu.
Trên đường, dòng xe nối nhau chạy về phía bắc đưa những cư dân bị thương ra khỏi hiện trường trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ. Gần nơi Cuneyd đang đứng, một gia đình quẫn trí lang thang trong cơn mưa lạnh cóng để tìm nơi trú ẩn qua đêm, đồ đạc của họ chất đống trên một chiếc xe đẩy, theo Guardian.
Sanliurfa - thành phố lịch sử từng rất nhộn nhịp - nay đã bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, bao gồm cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria. Thảm họa đã khiến hàng nghìn tòa nhà ở hai quốc gia sụp đổ, hàng chục nghìn người bị thương và để lại số người chưa xác định mắc kẹt dưới đống đổ nát.
“Có ai nghe thấy tôi không?”
Trên một trong những đại lộ chính của Sanliurfa, hàng chục nhân viên cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà 7 tầng vừa biến thành đống đất và vụn vữa trong phút chốc.
Ít nhất 30 người đã thiệt mạng chỉ riêng ở tỉnh này, nơi có 200 tòa nhà đổ nát sau trận động đất mạnh 7,8 độ trước bình minh, trận động đất thứ hai mạnh 7,7 độ và nhiều đợt dư chấn không ngừng, theo Reuters.
Trước mặt Omer El Cuneyd là những tấm rèm rách nát, một chiếc trường kỷ hư hại và chiếc ghế có chân kim loại đã vỡ vụn - dấu hiệu của một cuộc sống bình lặng, khiêm tốn đột ngột bị phá vỡ.
Xung quanh anh hàng chục người cố gắng nâng những mảng bê tông khổng lồ, khẩn trương lắng nghe dấu hiệu của sự sống. Lực lượng cứu hộ thường xuyên dừng lại trong im lặng, nhìn chăm chăm vào đống đổ nát, tràn ngập sự pha trộn giữa mệt mỏi, đau khổ và hy vọng.
Cuneyd cho biết anh và những người bạn sẽ ở lại khu vực tòa nhà bị sập suốt đêm, bất kể tuyết rơi, mưa gió và kiệt sức. “Tôi phải ở lại”, anh nói.
Một người đàn ông được giải cứu khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2. Ảnh: Reuters/Umit Bektas. |
Ở Adana, cách đó hơn 350 km về phía tây, nhân viên cứu hộ và người dân đã dành cả ngày thứ hai (6/2) để chuyển những khối bê tông qua đống đổ nát, di chuyển hàng tấn mảnh vỡ bằng tay trong nỗ lực tìm kiếm người sống sót.
"Có ai nghe tôi không?", lực lượng cứu hộ hét vào đống đổ nát.
Trong khi đó, tại tỉnh Kahramanmaras - tâm chấn của trận động đất - khoảng 20 người đang sử dụng máy cưa khoét lỗ giúp những người sống sót trèo ra ngoài hoặc được kéo ra. Trong khi đó, các máy xúc dùng đèn chiếu sáng khắp đống đổ nát.
Hàng chục người cúi xuống nhìn bên dưới một tấm bê tông khổng lồ được chống đỡ ở một góc bằng các thanh thép. Họ bò vào trong cố tiếp cận những người sống sót.
Ở những địa điểm khác trong tỉnh Kahramanmaras, lực lượng cứu hộ đã kéo hai đứa trẻ sống sót ra khỏi đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ đã yêu cầu đám đông hỗ trợ cố gắng yên lặng để họ nghe thấy những tiếng kêu cứu và xác định vị trí nạn nhân.
“Cảm thấy như ngày tận thế”
Tại Idlib, phía tây bắc Syria, nhà báo Mohamad Kazmooz nói với Guardian rằng anh cùng gia đình chạy trốn trong bóng tối khi trận động đất làm rung chuyển thành phố.
“Chúng tôi chứng kiến một tòa nhà đổ sập với tất cả cư dân bên trong, trước đây nó từng là mục tiêu bị ném bom trong cuộc nội chiến ở Syria. Mọi người xung quanh chúng tôi đổ ra đường trong sợ hãi và hoảng loạn, họ ra ngoài chỉ với một bộ quần áo trên người, bỏ lại nhà cửa và đồ đạc”, anh kể lại.
Kazmooz đã dành 12 giờ cùng các thành viên của tổ chức tình nguyện White Helmets giúp chuyển thi thể nạn nhân ra khỏi các tòa nhà bị sập trong khu phố.
Hậu quả của trận động đất khiến tôi "cảm thấy như ngày tận thế", anh nói.
Bất chấp mùa đông khắc nghiệt ở Syria, anh ước tính khoảng 80% dân số Idlib quá sợ hãi, không dám trở về nhà.
“Tôi và gia đình đang ở một trang trại, ngủ dưới gốc cây ô liu vì sợ các tòa nhà đổ sập. Mọi người đều ra ngoài đường, xung quanh tôi không ai có thể trở về nhà ngủ”, anh cho hay.
Người dân tụ tập quanh đống lửa sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2. Ảnh: Reuters/Cagla Gurdogan. |
Thành phố nơi Kazmooz sinh sống bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh, hạn hán và nạn đói lan rộng. Họ không thể đối phó với thảm họa lần này.
“Các dịch vụ của chúng tôi vốn đã rất yếu, bao gồm cả các dịch vụ y tế và cấp cứu. Vào thời điểm này, (tình hình) đã vượt quá khả năng ứng cứu. Họ không thể theo kịp số người chết và bị thương, cũng như quy mô của thảm họa”, anh giải thích.
“Hầu hết bệnh viện và trung tâm y tế đã thông báo không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do số lượng người chết và bị thương quá lớn”, Kazmooz chia sẻ thêm.
Trong khi đó, tại thị trấn biên giới Jindires, Ali Batel đã cầu xin sự giúp đỡ. “Gia đình tôi, các con tôi vẫn còn dưới đống đổ nát. Không có ai cứu họ, không có nhân viên cứu hộ hay liên lạc. Không có gì cả”, anh tuyệt vọng.
“Chúng tôi nghe thấy tiếng ồn, tiếng nói ở đâu đó, nhưng hầu hết thời gian không có người cứu giúp. Các quốc gia trên thế giới ở đâu? Tại sao họ không đến giúp chúng tôi? Một thảm họa đã ập đến”, anh nghẹn ngào.
Osama Abdel Hamid, một người may mắn sống sót ở Idlib, cũng cho biết gia đình anh đang ngủ khi những cơn rung lắc bắt đầu.
“Những bức tường đổ sập xuống chúng tôi, nhưng con trai tôi đã thoát ra ngoài”, anh kể. “Thằng bé bắt đầu la hét và kêu gọi mọi người giúp đỡ. Họ biết có người sống sót và cố gắng kéo chúng tôi ra khỏi đống đổ nát”.
Khi anh chạy trốn cùng vợ và ba đứa con, một cánh cửa gỗ rơi xuống che chắn cho họ khỏi những mảnh vỡ, theo CNBC.
Bất chấp nỗ lực điên cuồng, mệt mỏi của lực lượng cứu hộ, số người chết ở Syria vẫn ngày càng tăng cao. Khi sự đau khổ bao trùm khu vực, một người đàn ông ôm một cô gái đã chết trong tay, bước ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà hai tầng vừa sụp đổ. Anh quấn thi thể cô trong một chiếc chăn lớn và đặt trên sàn có mái che, giúp cô tránh khỏi cơn mưa.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.