Nội dung về chính sách an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch sáng 29/8. Cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo báo cáo, các địa phương khu vực phía nam đã hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ với số kinh phí chiếm 72,5% so với cả nước.
Toàn bộ 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16 đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 100.000 người bán vé số đã được hỗ trợ.
Nhiều người lao động tự do ở TP.HCM gặp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài xếp hàng chờ lương thực hỗ trợ từ chính quyền. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Báo cáo về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay đến nay, hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nêu thực tế nhiều nơi vẫn còn biểu hiện lúng túng, sợ trách nhiệm, cần rút kinh nghiệm. Bộ trưởng Lao động dẫn chứng hai tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long chưa rút kinh phí Nhà nước để chi cho nhiệm vụ này; 9 tỉnh khác chưa chi hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.
“Việc chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lúc khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ, lo ăn lo mặc, lo an sinh cho người dân theo Nghị quyết của Chính phủ.
Yêu cầu các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 thật nghiêm, Thủ tướng đồng thời quán triệt phải bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực giãn cách xã hội, không để bất cứ người dân nào đứt bữa, thiếu ăn, thiếu mặc.
Thủ tướng lưu ý quan tâm 3 đối tượng cụ thể: Người có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; các hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; những người lang thang, cơ nhỡ.
Theo ông, những nơi tăng cường giãn cách có sức ép rất lớn về an sinh xã hội, y tế, an ninh trật tự nên ngày từ cấp xã, phường, thị trấn phải làm thật tốt với sự hỗ trợ của các lực lượng tăng cường để kêu gọi, vận động người dân thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch.
Cùng với đó, cung cấp các gói an sinh xã hội cho người dân; hình thành lực lượng vận chuyển hàng hóa đến xã, phường nhưng phải bảo đảm an toàn; xã, phường cùng lực lượng công an, quân đội vận chuyển đến nhân dân…
Thủ tướng lưu ý các xã, phường, thị trấn cung cấp ngay số điện thoại khẩn cấp tới người dân, dán tờ rơi tại từng gia đình, từng khu dân cư để người dân có thể gọi ngay khi đói ăn, khi ốm đau.