Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người Việt không dám tố cáo tham nhũng

“Chẳng thay đổi được gì” và “Tội sợ phải chịu hậu quả” là những lý do người dân viện ra để không tố cáo tham nhũng. Chỉ 38% người được khảo sát sẵn sàng đứng ra tố cáo.

Sáng 9/12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định sẽ khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng. Ảnh: C.K

Tổ chức hướng tới minh bạch cho biết có tới 60% người Việt Nam tin rằng những người dân bình thường có thể tạo ra thay đổi trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, so với các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam ít có khả năng tố cáo tham nhũng và ít từ chối đưa hối lộ nhất. 

Cụ thể, chỉ có 38% số người Việt Nam được khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng. “Chẳng thay đổi được gì” và “Tội sợ phải chịu hậu quả” là những lý do thường thấy mà người dân viện ra để không tố cáo tham nhũng.

Mức độ sẵn sàng tố cáo tham nhũng tại Đông Nam Á

Malaysia: 79%; Campuchia: 77%;

Thái Lan: 69%; Philippin: 67%;

Indonesia: 49%; Việt Nam: 38%

Với những người sẵn sàng tố cáo, các cơ quan nhà nước dường như là nơi đầu tiên mà người dân tìm đến. 40% số người được hỏi chọn tố cáo tham nhũng với cơ quan chính phủ hoặc đường dây nóng. 36% nói rằng họ sẽ tố cáo trực tiếp tới cơ quan có liên quan và 15% chọn cách tố cáo thông qua các cơ quan truyền thông.

Chỉ có 27% người Việt Nam được hỏi đã từng từ chối đưa hối lộ, ít hơn khá nhiều so với các quốc gia được khảo sát ở Đông Nam Á. Mặc dù phần đông số người được hỏi nói rằng đưa hối lộ là để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, ngày càng có nhiều người cho rằng hối lộ là cách duy nhất để được phục vụ (được việc).

Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) tại Việt Nam chia sẻ, việc tăng cường sự tham gia của người dân trong phòng chống tham nhũng là phương pháp hiệu quả nhất đối với những nước mà nền quản trị còn yếu. 

"Ngay ở Việt Nam cũng đã có truyền thống "lấy dân làm gốc" vì thế  không thể chỉ dựa vào bộ máy nhà nước để phòng chống tham nhũng", bà Zhuldyz Akisheva nói.

Về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được Chính phủ đẩy mạnh thực thi trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết sẽ tăng cường sự giám sát của người dân và xã hội là trọng tâm. 

“Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Tổ chức các kênh để người dân tham gia đóng góp ý tưởng phòng chống tham nhũng, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân”, ông Huỳnh Phong Tranh nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh việc tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích tố cáo các hành vi tham nhũng. “Bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng”, ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm