“Tôi đặt mua RedmiBook Pro 15, là mẫu laptop nội địa Trung Quốc qua một cửa hàng tại Hà Nội. Máy có thiết kế đẹp, cấu hình mạnh so với tầm giá”, Trần Thái, nhân viên văn phòng ngụ quận Tân Phú (TP.HCM) chia sẻ với Zing.
Theo anh Thái, mẫu laptop đặt mua có màn hình 15,6 inch (độ phân giải 3.200 x 2.000 pixel), CPU Intel Core i5-11300H với card đồ họa Iris Xe, RAM 16 GB, SSD 512 GB và vỏ kim loại. Giá bán của máy tại Trung Quốc khoảng 18 triệu đồng, thêm 2 triệu đồng chi phí vận chuyển về Việt Nam.
Với mức giá tương đương (khoảng 20 triệu đồng), các mẫu laptop phân phối chính hãng tại Việt Nam thường có cấu hình yếu hơn từ thông số về CPU, bộ nhớ RAM, màn hình tới chất liệu vỏ.
Laptop nội địa đang được quan tâm vì giá tốt
Thời gian gần đây, “laptop nội địa” trở thành chủ đề thảo luận phổ biến trên các diễn đàn công nghệ. Đây là những laptop do hãng phát hành tại một thị trường nhất định (chủ yếu là Trung Quốc), được các thương gia hoặc dịch vụ vận chuyển mang về Việt Nam theo đơn đặt hàng từ người dùng.
Các mẫu laptop nội địa, thương hiệu Trung Quốc được nhiều người đặt mua tại Việt Nam. Ảnh: iNEWS. |
Trên một nhóm Facebook về công nghệ, bài viết liên quan đến laptop nội địa thu hút hàng trăm bình luận tương tác. Một diễn đàn lớn cũng có nhiều bài viết rao bán, chia sẻ kinh nghiệm chọn mua laptop nội địa.
“Tôi đang sử dụng ThinkPad X1 Gen 7, làm việc rất tốt”, tài khoản Facebook Tài chia sẻ. Người dùng Hai Nguyen cho biết đang dùng mẫu Lenovo Yoga Slim 7 Pro mua từ Trung Quốc vào tháng 11/2020, đến nay vẫn hoạt động bình thường.
Một chiếc laptop dùng CPU AMD Ryzen 7, GPU RTX 3060 nhập từ Trung Quốc về có giá 36 triệu. Trong khi model chính hãng tại Việt Nam giá 43 triệu đồng.
Trả lời Zing, đại diện một cửa hàng chuyên nhập thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam tại Hà Nội cho biết nhu cầu đặt mua laptop nội địa từ Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây. Giá bán là ưu điểm lớn nhất của những thiết bị này so với hàng chính hãng, được phân phối bởi các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
"Để so sánh, một mẫu laptop bên Trung Quốc cùng cấu hình có giá rẻ hơn so với hàng phân phối tại Việt Nam", đại diện cửa hàng laptop nói trên cho biết. Anh này lấy ví dụ chiếc laptop dùng CPU AMD Ryzen 7, GPU RTX 3060, RAM 16 GB, SSD 512 GB có giá tại Trung Quốc khoảng 36 triệu đồng. Trong khi đó, model tương tự do các đại lý phân phối chính hãng tại Việt Nam có giá 43 triệu đồng.
Đa số người dùng được hỏi cũng cho biết lý do chọn laptop nội địa do có thiết kế đẹp, cấu hình mạnh hơn so với những mẫu chính hãng có cùng giá bán tại Việt Nam.
"Lúc đầu tôi hơi lo lắng khi đặt mua laptop nội địa, nhưng khi tham khảo các nhóm thấy anh em mua nhiều, tỷ lệ rủi ro khá thấp nên đặt theo. Đến nay, trải nghiệm sử dụng vẫn khá tốt, hài lòng với số tiền bỏ ra", người dùng Hai Nguyen chia sẻ.
Các mẫu laptop nội địa được ưa chuộng vì có giá rẻ, cấu hình mạnh. Ảnh: iGeekPhone. |
Theo đại diện cửa hàng, những laptop nội địa được đặt phần nhiều có giá 20-24 triệu đồng. Một số mẫu trong phân khúc do cửa hàng này nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn 6-7 triệu đồng so với cùng model được phân phối bởi các đại lý bán lẻ tại Việt Nam.
Theo người dùng Hai Nguyen, chiếc Lenovo Yoga Slim 7 Pro với CPU AMD Ryzen 7 5800H, màn hình 14 inch 2,5K, RAM 16 GB và SSD 512 GB được anh đặt mua tháng 11/2020 với giá 23,5 triệu đồng (giá máy là 22 triệu đồng). Phiên bản tương tự đang có mặt tại các cửa hàng phân phối chính hãng có giá bán khoảng 30 triệu đồng.
Cấu hình mạnh, giá rẻ cũng là lý do khiến anh Thái lựa chọn laptop nội địa Trung Quốc sau khi tham khảo, so sánh với các model cùng tầm giá tại Việt Nam. “Laptop của tôi có độ sáng màn hình cao phù hợp để làm việc văn phòng, quạt tản nhiệt êm, vân tay và touchpad nhạy”, anh Thái chia sẻ.
Ngoài các cửa hàng nhập laptop nội địa, người dùng có thể thông qua một số dịch vụ đặt hàng từ Trung Quốc để mua laptop. Tham khảo một website đặt hàng trên Tmall về Việt Nam, mẫu RedmiBook Pro 15 tương tự của anh Thái với CPU Intel Core i5-11300H, card đồ họa Iris Xe, RAM 16 GB, SSD 512 GB có tiền hàng là 18,5 triệu đồng, phí mua hộ khoảng 220.000 đồng. Thêm khoảng 350.000 đồng phí vận chuyển và dịch vụ đóng gói, tổng giá đơn hàng khoảng 19,1 triệu đồng.
Mức giá trên rẻ hơn khoảng 900.000 đồng so với chi phí khi anh Thái đặt thông qua cửa hàng chuyên bán laptop nội địa. Tuy nhiên nếu tự đặt qua dịch vụ, người dùng sẽ tự chịu trách nhiệm sửa chữa, hoặc gửi sang Trung Quốc để bảo hành nếu gặp sự cố. Theo anh Thái, cửa hàng nhập laptop cam kết hỗ trợ bảo hành trong 12 tháng.
Bảo hành khó khăn và một số bất tiện khi mua laptop nội địa Trung Quốc
Do được xách tay từ Trung Quốc, laptop nội địa thường không nằm trong chính sách bảo hành của nhà sản xuất tại Việt Nam. Người mua chủ yếu tin tưởng vào cam kết hỗ trợ từ đơn vị vận chuyển hoặc thương gia.
Do được xách tay về Việt Nam, những chiếc laptop nội địa thường không được bảo hành chính hãng bởi nhà sản xuất. Ảnh: Min.news. |
"Khi có lỗi phát sinh, laptop nội địa sẽ phải gửi về Trung Quốc để bảo hành nên mất nhiều thời gian. Ngoài ra, thời gian hàng về Việt Nam trung bình là 10-12 ngày, trong khi hàng phân phối trong nước không phải chờ lâu như vậy", đại diện cửa hàng đặt laptop nội địa cho biết.
Hệ điều hành tiếng Trung cũng là điều người dùng cần chú ý. Theo anh Thái, chiếc RedmiBook của anh phải cài lại Windows để có ngôn ngữ tiếng Anh, không bị mất bản quyền.
Trên các diễn đàn thảo luận về laptop nội địa, nhiều thành viên chia sẻ cách sao lưu bản quyền, đăng nhập tài khoản Microsoft và cài lại đúng phiên bản Windows để giữ bản quyền cho máy. Khi cài xong có thể nhập liệu bình thường do bàn phím trên máy không có ký tự tiếng Trung.
Trên các hội nhóm nhiều người dùng bày tỏ lo ngại về chất lượng các mẫu laptop thương hiệu Trung Quốc. Theo đại diện cửa hàng, laptop nội địa Trung Quốc và phân phối chính hãng ở Việt Nam có chất lượng như nhau. Thời gian chờ hàng, khác biệt trong chính sách bảo hành và ngôn ngữ của Windows là những khác biệt người dùng cần lưu ý khi mua laptop nội địa.