Trong quý I/2021, tình trạng khan hàng bắt đầu xuất hiện trên một số mẫu laptop đến từ các hãng như Asus, Dell và HP. Tình trạng này liên tục kéo dài và có phần nghiêm trọng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, khiến nhu cầu làm việc, học tập online tăng cao tại thị trường Việt Nam.
Các hệ thống lớn đang thiếu laptop để bán
Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc trải nghiệm Khách hàng và Marketing FPT Shop cho biết số đơn hàng online trong những ngày qua tại hệ thống tăng từ 14%-20% so với trước. Laptop được xem là thiết bị quan trọng phục vụ nhu cầu làm việc, liên lạc cho người dùng trong thời gian giãn cách.
Các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động (TGDĐ), FPT Shop, GearVN đều xác nhận nhiều mẫu laptop đang bị khan hàng, máy về nhỏ giọt.
“Laptop ở toàn bộ phân khúc giá của 2 thương hiệu Asus và Dell đều thiếu hàng”, đại diện TGDĐ nói với Zing.
Nhiều mẫu laptop khan hàng, tăng giá tại Việt Nam. |
Theo đại diện hệ thống FPT Shop, nhu cầu mua laptop giá thấp dưới 16 triệu đồng đang tăng đột biến khiến hệ thống này không kịp nhập hàng để đáp ứng.
Tăng giá đến 10% tùy thương hiệu
Bên cạnh việc khan hàng, các mẫu laptop cũng liên tục tăng giá trong thời gian gần đây. Từ tháng 2, hãng Dell đã áp dụng giá mới, tăng thêm 10-100 USD/sản phẩm. HP cũng đã điều chỉnh giá mới cho các model Pavilion sử dụng chip Intel Core i thế hệ thứ 11. Đến đầu tháng 4, Acer đã áp dụng bảng giá mới tăng từ 5-10% tùy từng sản phẩm.
Đại diện TGDĐ cho biết tất cả thương hiệu laptop đều tăng giá đồng loạt từ ngày 1/6. Trong đó, đáng chú ý là laptop Dell, tăng từ 2-5 triệu đồng tùy model.
Ở các nhà bán lẻ nhỏ hơn, hiện tượng tăng giá vẫn diễn ra. “Hầu hết thương hiệu laptop đều có model tăng giá từ 2-5%, chủ yếu là các dòng dưới 20 triệu đồng. Cụ thể, mẫu HP Pavilion 15-eg0071TU 2P1M7PA đang được bán với giá 17,9 triệu đồng, tăng 600.000 đồng so với trước. Trong khi đó, HP Pavilion 15 eg0003TX 2D9C5PA cũng tăng 600.000 đồng, lên 18.2 triệu đồng. Mới mức tăng một triệu đồng, Acer Aspire 5 A515 56G 51YL đang được bán với giá 19,7 triệu đồng”, ông Thái Lê Tú, Trưởng phòng truyền thông GearVN chia sẻ.
Dự đoán theo hướng lạc quan, đại diện các hệ thống bán lẻ hy vọng hình hình có thể ổn hơn trong quý IV, khi nhiều quốc gia trong chuỗi cung ứng laptop toàn cầu đẩy lùi được dịch Covid-19, hết khủng hoảng chip và ổn định lại sản xuất.