Sáng 5/7, trong buổi họp báo quý II/2016 của Bộ Khoa học Công nghệ, báo chí đặt câu hỏi với Thứ trưởng Phạm Công Tạc về phương án khắc phục sự cố môi trường sau vụ Formosa xả thải độc. Theo ông Tạc để trả lời câu hỏi mất thời gian bao nhiêu lâu, kinh phí thế nào... là vấn đề rất lớn.
"Việc kiểm soát chất thải ở Formosa là do Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Môi trường. Các nhà khoa học của Bộ Khoa học lập hội đồng để hỗ trợ Bộ Tài nguyên Môi trường và một số cơ quan điều tra có chứng cứ trong việc tìm nguyên nhân cá chết" - Thứ trưởng Tạc nói.
Ông cho biết, bản thân theo dõi rất kỹ, tham gia công tác cùng các vị lãnh đạo các bộ, ngành và "đôi khi có cảm thấy buồn, bởi lẽ đã là khoa học phải hết sức chính xác và trung thực". Tuy nhiên, có những người không hoạt động, không học về vấn đề liên quan đến xác định nguyên nhân cá chết nhưng họ cũng nói một cách chung chung, đưa lên mạng xã hội về vụ việc.
"Làm khoa học phải trả lời một cách rất chính xác, do vậy để đảm bảo tính chính xác, một số câu hỏi của báo chí đặt ra chúng tôi không thể trả lời ngay được" - Thứ trưởng Tạc cho biết.
Chia sẻ cùng Thứ trưởng Tạc, PGS. TS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc xây dựng phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường sau khi xác định Formosa xả thải gây ô nhiễm được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường.
Hội đồng khắc phục sự cố này do ông Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường) làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tài (Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường) là Phó chủ tịch. Trong hội đồng còn có đại diện của 4 tỉnh miền Trung và đại diện Bộ Khoa học Công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc tại buổi họp báo sáng 5/7. |
Chia sẻ thêm về sự kiện, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay, vụ việc đã gây sự xôn xao dư luận xã hội. Trong việc xác định nguyên nhân, có hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành liên quan từ 30 đơn vị khác nhau được huy động. Bên cạnh đó Hội đồng chuyên gia Khoa học cũng đã phối hợ chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy và tính chính xác, khách quan.
Qua phân tích mẫu cá chết, mẫu nước dị thường, ảnh vệ tinh cùng kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm, các nhà khoa học đã chứng minh có một nguồn nước thải từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Nguồn thải này kết hợp với Hydroxit sắt, tạo thành dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố Phenol, Cyanua... có tỷ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ôxy nhất là các loài cá tầng đáy.
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên Huế ngày 15/4, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng 4/5.
Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-7/4, tỉnh Quảng Bình ngày 14-15/4, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 16-17/4 và tỉnh Quảng Trị ngày 18-19/4. Từ ngày 24 đến 26/4, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 4/5 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.
Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 4/5 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa.
Ngày 30/6, tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã công bố Formosa là thủ phạm gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại miền Trung.