Ngày 29/6, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina (POM) - đã có đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư. Trước khi đăng ký, bà Ngọc nắm giữ khoảng 15,4 triệu cổ phiếu POM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,51% vốn nhà sản xuất thép này.
Giao dịch này dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn trong thời gian từ ngày 4/7 đến 28/7. Nếu hoàn tất giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của bà Ngọc tại Pomina sẽ giảm xuống 3,54%, tương ứng 9,9 triệu cổ phiếu nắm giữ còn lại.
Trước đó chỉ một ngày, một người em gái khác của ông Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Nhung (quốc tịch Mỹ) cũng đã đăng ký bán ra 5,3 triệu cổ phiếu POM với mục đích tương tự. Giao dịch này dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong giai đoạn ngày 3-28/7.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Nhung tại Pomina sẽ giảm xuống còn 0,71%, tương ứng 1,98 triệu cổ phiếu.
Trước đó, ngày 27/6, bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (quốc tịch Đức), chị gái của Chủ tịch Pomina, cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM nắm giữ theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, giao dịch dự kiến diễn ra ngày 30/6-28/7. Từ đầu năm, cá nhân này đã nhiều lần đăng ký thoái vốn khỏi công ty của em trai nhưng đều không bán hết lượng đăng ký với lý do giá chưa đạt kỳ vọng.
Giá cổ phiếu POM dù điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn 40% so với thời điểm cuối tháng 5. Ảnh: TradingView. |
Như vậy, trong vòng 3 ngày cuối tháng 6, người nhà Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra tổng cộng 12,6 triệu cổ phiếu POM. Động thái này diễn ra trong bối cảnh POM vừa trải qua chuỗi tăng giá ấn tượng từ cuối tháng 5.
Cụ thể, từ ngày 26/5 đến 9/6, thị giá cổ phiếu POM đã tăng gần 60%, lên 7.500 đồng/đơn vị, mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, mã chứng khoán này bắt đầu quay đầu điều chỉnh và đang được giao dịch quanh mốc 6.500 đồng/cổ phiếu.
Tại phiên giao dịch ngày 29/6, giá cổ phiếu POM đóng cửa ở mốc 6.620 đồng/đơn vị. Tạm tính theo mức giá này, 3 cá nhân là người nhà ông Đỗ Duy Thái có thể thu về khoảng 83,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, nhà sản xuất thép Pomina đã ghi nhận 13.000 tỷ đồng doanh thu năm vừa qua, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước đó. Việc giá vốn cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của Pomina rơi về mức âm 424 tỷ đồng trong khi năm 2021 vẫn lãi gộp 805 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng gặp nhiều áp lực về chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay. Sau khi trừ các loại chi phí, Pomina lỗ ròng 1.079 tỷ đồng trong năm 2022.
Dẫu vậy, bước sang năm 2023, Pomina lại đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng, tăng gần 8% và dự kiến lãi sau thuế 300 tỷ đồng.
Đáng nói, ngay trong quý I vừa qua, nhà sản xuất thép này chỉ thu về 1.645 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 62% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng giá vốn cao hơn doanh thu vẫn chưa được cải thiện kết hợp các chi phí trong hoạt động kinh doanh khiến Pomina lỗ ròng 186 tỷ đồng quý đầu năm nay.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...