NHS Trung Văn là một trong những dự án nhà ở xã hội có giá cao nhất tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Vũ. |
Đông đúc, oi bức và thất vọng là toàn bộ cảm nghĩ của anh Tiến (40 tuổi, xe ôm công nghệ) khi tham gia buổi bốc thăm dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Đến tận bây giờ, anh vẫn “ám ảnh” cảnh tượng bản thân lọt thỏm giữa cả nghìn người để giành lấy cơ hội an cư.
“Bây giờ muốn mua được nhà ở xã hội thì phải có thêm cả may mắn. Tôi đến đó từ 5 giờ sáng nhưng cái kết vẫn là ra về trắng tay. Những người mua được nhà mừng rỡ không khác gì trúng số độc đắc”, anh Tiến bộc bạch.
Người giàu cũng muốn mua nhà ở xã hội
Dù không mua được nhà nhưng anh Tiến vẫn cảm thấy bản thân chưa phải là người xui xẻo nhất trong buổi bốc thăm. Một số người hôm đó kháo nhau rằng chỉ cần chi tiền cho sàn giao dịch làm hồ sơ thì chắc chắn sẽ mua được nhà. Tuy nhiên, lời cam kết của môi giới đã không thành sự thật.
1.151 hồ sơ đã bị loại trong đợt bốc thăm mua nhà tại dự án NHS Trung Văn. Ảnh: Thanh Vũ. |
“Người ngồi cạnh tôi bỏ hơn 200 triệu đồng để ‘chạy’ hồ sơ. Kết quả vẫn không được. Chính bản thân họ cũng không ngờ là sẽ mua nhà theo hình thức bốc thăm may rủi như thế này”, anh Tiến kể thêm.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, Zing đã gặp gỡ chị Mai Hoa, một nhà đầu tư cá nhân. Theo lời của người này, NHS Trung Văn là dự án mà “người giàu cũng muốn mua”.
“Dự án nằm ngay cạnh khu nhà ở Quốc hội, xung quanh toàn biệt thự, trường quốc tế với khu đô thị. Sau 5 năm, chắc chắn giá căn hộ tại đây sẽ tăng gấp đôi”, chị Hoa cho biết.
Bản thân nhà đầu tư này cũng đang tìm cách liên hệ với những người may mắn bốc trúng thăm mua nhà. Chị Hoa tuyên bố sẵn sàng mua lại căn hộ với giá cao hơn 300 triệu đồng. Trước đó, người này cũng “mách nước” cho họ hàng đến đăng ký nhưng kết quả vẫn không thành.
Trong số 1.300 hồ sơ ứng nộp, chỉ có 149 đơn được chọn. Cơ hội để người dân an cư tại NHS Trung Văn chỉ là 1/9.
Cung không đáp ứng nổi cầu
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn có giá bán căn hộ khoảng 19,5 triệu đồng/m2. Đây là mức giá mở bán cao nhất từ trước đến nay đối với một dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại thủ đô.
Nhà ở xã hội là "cứu cánh" của những người thu nhập thấp. Ảnh: Thanh Vũ. |
Lý giải về việc giá căn hộ ngày càng cao, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, cho biết bên cạnh một số chủ đầu tư cố tình “thổi giá”, nhiều doanh nghiệp đang phải chạy đua với “chi phí thời gian”. Một số dự án phải mất 8 năm để hoàn thành, trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp phải chịu những áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng.
“Một yếu tố khác là chi phí giá đất. Theo cơ chế hiện nay, giá đất sát với giá thị trường. Vì vậy, giá sẽ ngày càng cao hơn, thậm chí là chạm tới mức cao nhất khu vực. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng, có thời điểm giá thép tăng tới 40%”, ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích.
Tuy nhiên, người dân vẫn đổ xô tìm mua nhà ở xã hội, bất chấp việc giá bán liên tục lập đỉnh mới. Việc thị trường thiếu hụt dự án nhà ở giá rẻ đang là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ chọi tăng cao và cơ hội an cư cũng vì thế mà giảm xuống.
Tính đến hết quý I, Việt Nam đã hoàn thành 156.000 căn nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng đối tượng công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, nhu cầu mua nhà ở xã hội đã lên tới 2,4 triệu căn trong giai đoạn 2021-2030.
Trước thực trạng trên, Nhà nước đã tung ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho vay với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2%.
Dẫu vậy, hiện gói vay này vẫn chưa phát sinh dư nợ. Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), gói tín dụng này khó giải ngân vì nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế.
Vị này cho biết việc lựa chọn chủ đầu tư, quỹ đất và xác định giá bán đang gặp nhiều vướng mắc. Những ưu đãi và mức biên lợi nhuận cũng chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định về đối tượng mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Trong đó, những điều kiện về cư trú hay mức thu nhập đã không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày tăng cao như hiện nay.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.