Sáng cuối tuần 9/7, giá vàng lại tăng trở lại 400.000 đồng, lên mức 37,7 triệu đồng một lượng ở chiều bán ra. Nhưng mức này cũng chỉ tương đương với giá khởi đầu nổi sóng của kim loại này.
Khác với những đợt tăng trong quá khứ, trong đợt sốt giá này, biên độ giao động rất lớn nhưng thời gian lại quá nhanh khiến nhiều người chưa kịp xoay trở với số vàng vừa cầm chưa nóng tay, cũng như đã tích trữ trước đó.
Đáng chú ý là đợt tăng giá này không không có nhiều biến động về lượng mua, vì người dân đã tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, những người ôm vàng muốn bán thì lại không thể trở tay kịp. Nhiều nỗ lực giải cứu số vàng lỡ ôm giá cao trong những năm trước của nhiều người bất thành.
Nhiều người tiếc nuối khi không thể thoát hàng thành công. Ảnh: Lê Quân |
Chị Hà ở Phú Nhuận, mua 15 lượng vàng từ thời điểm giá 38, 39, khi cơn sốt giá 2011 vừa giảm nhiệt. Chị cho biết, từ khi mua số vàng này thì cũng là lúc giá lao dốc. 4 năm ôm vàng mà tiền cứ bốc hơi dần, chị chỉ mong ngày giá lên ngang với mức đã mua, để "tống" đi đỡ "hồi hộp". Tuy nhiên, lúc vàng lập đỉnh trong ngày 6/7 chị lại không kịp bán, mất cơ hội chờ đợi suốt 4 năm, bởi giá tăng quá nóng và giảm quá nhanh.
“Thời điểm giá vàng nhảy nhanh nhất là từ 16 -17h ngày 6/7, tôi cũng xem chừng để bán ra nhưng không còn kịp vì các điểm kinh doanh vàng lớn dừng giao dịch. Thấy giá tăng nhanh tôi cũng lưỡng lự, vì nghĩ đà tăng sẽ kéo dài khoảng 3-4 ngày, nhưng không ngờ giá giảm mạnh ngay phiên mở cửa tiếp theo. Tôi rất tiếc vì cơ hội để giải cứu số vàng ôm giữ bấy lâu vuột qua chóng vánh”, chị Hà tiếc rẻ.
Trong khi đó, một chủ cơ sở dược ở quận 10 cũng cho biết, chị "lỡ mua" gần 40 lượng vàng ngay thời điểm giá 45 triệu trong năm 2011. Từ đầu tháng 7 đến nay, khi thấy vàng tăng, chị đã quyết định đem bán, dù so về giá thì vẫn đang lỗ. Tuy nhiên mọi nỗ lực đều không thành vì không thể bán kịp trong ngày 6/7.Chị cho biết, khi hay tin giá chạm 40 triệu đồng một lượng thì cũng đã cuối ngày, không kịp trở tay.
“Lần này khác hoàn toàn với năm 2011, thời điểm đó giá vàng tăng hay giảm cũng neo cả 5-7 ngày. Đợt này là biến động quá nhanh và mức giảm lại lớn, tôi đi từ nhà tới tiệm vàng đã thấy xuống mất mấy giá. Mình cũng không phải là người đầu cơ 'săn' giá nên số vàng này không biết bao giờ mới được giải cứu”, chị chia sẻ.
Trong khi đó, ngay cả dân lướt sóng cũng không thể thoát hàng một cách ngoạn mục và tỷ lệ chốt lời được cũng rất ít. Mức chênh lệch giá mua vào – bán ra 1,1 triệu đồng/lượng thì nhà đầu tư “ôm” vàng không thể “lướt sóng” kiếm lời trong cùng phiên. Trong xu hướng giá vàng tăng, mỗi bước giá tăng 1 triệu đồng thì phải sang đến phiên thứ 3, nhà đầu tư mới có thể bán có lãi. Ngược lại, khi vàng giảm giá thì sẽ bị lỗ, và dù có thoát hàng ngay cũng cầm chắc lỗ 2 giá.
Sau ngày 6/7 hưng phấn, đến sáng 7/7 đã diễn ra hai cảnh tượng đối lập, một số người khấp khởi chờ bán vàng để chốt lời khi chậm chân chưa kịp bán ra ở mức đỉnh 39,9 triệu đồng/lượng (chiều 6/7). Ngược lại, nhiều người buồn rầu vì trót “ôm” vàng ở mức giá 39 triệu/lượng ở phiên trước thì qua 1 đêm đã bị lỗ mất từ 1,1- 1,3 triệu đồng/lượng. Càng kéo dài giao dịch lại càng sốt ruột vì giá vàng lao dốc không phanh.
Chị Quỳnh Trang (Gò Vấp) cho biết: “Mặc dù tôi mua vàng từ ngày 5/7 với giá hơn 36 triệu/lượng nhưng đến ngày 7/7 cũng phải trầy trật lắm mới bán ra được với mức giá tương đương khi mua.
Cảm giác theo dõi diễn biến giá vàng rơi nhanh, trong khi mình vẫn chưa bán được khiến nhiều người căng thẳng. Tôi may mắn là chưa bị lỗ, nhiều người mua vàng vào ngày 6/7 với giá khoảng 38 – 39 triệu thì đành ngậm ngùi vì sau một đêm đã lỗ mất hơn 1 triệu/lượng”.
Sau 3 ngày biến động, giá vàng trong nước từ mức thấp hơn giá thế giới nhảy lên cao hơn cả triệu đồng. Trong phiên ngày 8/7, vàng lại quay về thấp hơn giá thế giới như vốn có, và chênh lệch mua bán vẫn rộng khiến phần lớn dân lượt sóng cũng chỉ dám đứng yên quan sát mà khôngdám mua thêm.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết: “Sau một thời gian đầu hưng phấn với giá tăng mạnh thì người mua đã bình tĩnh hơn. Quan sát thấy trong những ngày trước thì giao dịch mua bán sôi động phần lớn là dựa vào tâm lý.
Tuy nhiên, NHNN đã có động thái để kìm hãm, ngăn việc mua bán theo tâm lý hưng phấn thái quá. Cũng nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng bị kích động bởi các chiêu thổi giá của giới đầu cơ hay doanh nghiệp. Vì vậy sẽ phải tìm hiểu kỹ có những biện pháp xử lý triệt để tránh việc gây nên những cơn sốt tương tự”.