Cơ quan Y tế quốc gia Thụy Điển cho biết một số khu vực tại nước này sẽ đạt "miễn dịch cộng đồng" vào đầu tháng 5, bất chấp nhiều tranh cãi xung quanh con số tử vong cao hơn đáng kể so với các nước láng giềng, theo Telegraph.
Cách ứng phó với virus corona của Thụy Điển đã biến quốc gia này trở thành một ngoại lệ, không chỉ tại châu Âu, mà trên phạm vi toàn cầu. Thay vì phong tỏa và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Thụy Điển vẫn để các trường học, nhà hàng, quán cafe và quán bar mở cửa.
Miễn dịch cộng đồng vào đầu tháng 5
Theo dữ liệu do Cơ quan Y tế quốc gia công bố trong tuần qua, tỷ lệ ca nhiễm mới virus corona tại Thụy Điển đã đạt đỉnh. Cả các kiến trúc sư lẫn những người chỉ trích chiến lược ứng phó của Thụy Điển đã dựa vào số liệu này để tuyên bố khẳng định cách tiếp cận của mình.
Anders Tegnell, chuyên gia thuộc Cơ quan Y tế quốc gia, chiến lược gia đứng đầu xây dựng phương pháp ứng phó với virus corona của Thụy Điển, cho biết dịch bệnh tại nước này vẫn duy trì ở mức tương đương với vài tuần trước.
"Dịch bệnh đã đạt đỉnh, hoặc tương tự như vậy, vào trước cuối tuần của Lễ Phục sinh, và giờ đang có xu hướng giảm", ông Tegnell cho biết hôm 17/4.
Nhà chức trách y tế Thụy Điển tin rằng cư dân thủ đô Stockholm sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 5. Ảnh: AP. |
Theo ông Tegnell, các mô hình do chuyên gia tại Cơ quan Y tế quốc gia Thụy Điển vận hành cho thấy người dân tại thủ đô Stockholm, tâm điểm của dịch bệnh ở Thụy Điển, có thể đạt tới trạng thái "miễn dịch cộng đồng" vào đầu tháng 5.
"Theo các chuyên gia vận hành mô hình, chúng ta đang bắt đầu thấy rất nhiều người miễn dịch trong cộng đồng ở Stockholm, đến mức có ảnh hưởng tới sự lây lan của dịch bệnh", ông Tegnell cho biết.
"Các mô hình của chúng tôi chỉ ra khoảng thời gian vào tháng 5. Đây là những mô hình toán học, độ tin cậy dựa vào dữ liệu chúng tôi đưa vào. Hãy chờ xem liệu những mô hình này có đúng hay không", ông Tegnell bổ sung.
Một trong những lợi thế của miễn dịch cộng đồng và áp dụng giới hạn các biện pháp hạn chế xã hội là bảo vệ nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong khi Thụy Điển không yêu cầu đóng cửa các địa điểm kinh doanh, dữ liệu công bố hôm 13/4 cho thấy "sự sụt giảm trầm trọng các hoạt đông kinh tế trong 2 tuần đầu tháng 4". Các nhà hàng tại Thụy Điển là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho thấy GDP của Thụy Điển có thể sụt giảm tới 6,8%, tương đương với các quốc gia khác ở châu Âu.
Số người chết cao nhất Bắc Âu
Đánh giá lạc quan của ông Tegnell được đưa ra trong ngày số ca tử vong vì Covid-19 đã tăng thêm 130 trường hợp. Tới ngày 17/4, Thụy Điển đã ghi nhận 1.400 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Tỷ lệ tử vong tại Thụy Điển được đánh giá là cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Bắc Âu khác, dù thấp hơn đáng kể so với các quốc gia tâm điểm dịch bệnh như Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Lena Einhorn, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đồng thời là một trong số ít người công khai chỉ trích chiến lược ứng phó của Thụy Điển, cho rằng "không thể tin giáo sư Tegnell coi dữ liệu ảm đạm tuần qua là một tin tốt lành".
Nhà hàng, quán bar ở Thụy Điển vẫn mở cửa dù virus corona lây lan. Ảnh: AP. |
"Ở Phần Lan, tỷ lệ tử vong là 13 người trên 1 triệu dân. Tại Thụy Điển, con số này là 130 người trên 1 triệu dân. Số ca tử vong ở Phần Lan là 75, Na Uy là 152, Thụy Điển là 1.400. Và ông Tegnell lại tuyên bố đang 'cảm thấy rất hy vọng'. Chúng ta nên hy vọng vào điều gì vậy?", bà Einhorn nói.
Bà Eihorn là một trong số 22 nhà khoa học công khai kêu gọi chính quyền Thụy Điển chấm dứt ngay lập tức truyền thống trao quyền quyết định cho giới chuyên gia và giành lại quyền kiểm soát chiến lược ứng phó với đại dịch. Nhóm này đề nghị áp dụng các biện pháp phong tỏa tương tự như Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch.
Dù các thành viên của nhóm là những tên tuổi khoa học có uy tín tại Thụy Điển, bao gồm những người nắm vị trí hàng đầu tại Đại học Y khoa Karolinska Institutet, lời kêu gọi này đã phản tác dụng.
Giới truyền thông Thụy Điển đã phản ứng tiêu cực với lời kêu gọi của nhóm 22 nhà khoa học, thậm chí cáo buộc họ "hành xử như những kẻ gây rối". Không lãnh đạo nào của các đảng đối lập ở Thụy Điển liều lĩnh chỉ trích Cơ quan Y tế quốc gia hay lên tiếng công kích chiến lược ứng phó với dịch bệnh.
Dù chính phủ Thụy Điển không yêu cầu phong tỏa, người dân Thụy Điển được cho là đã chủ động áp dụng một số biện pháp giãn cách xã hội. Trong khi đó, một số quốc gia láng giềng của Thụy Điển tại Bắc Âu như Na Uy và Đan Mạch tuần qua đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế xã hội.
Chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Thụy Điển bị nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là một "canh bạc". Hiện còn quá sớm để nói về cái giá của canh bạc này, nhưng dường như Thụy Điển ngày càng quyết đoán với chiến lược ứng phó chẳng giống ai mà nước này đã lựa chọn.