Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư Paris: 'Tiếng đàn vẫn vang lên trên ban công, rồi sẽ ổn cả thôi'

Mỗi tối đến 20h là lại lần lượt ra ban công vỗ tay cổ vũ cho y bác sĩ đang chiến đấu ngày đêm trong bệnh viện, hàng xóm cuối cùng cũng biết mặt nhau và bắt chuyện vui vẻ.

P. là cựu sinh viên của Học viện Ngoại giao ở Hà Nội đang sinh sống và làm việc tại Paris, Pháp trong lĩnh vực nghệ thuật. P. chia sẻ với Zingnews.vn lá thư đầy cảm xúc lắng đọng của một cô gái Hà Nội trong lòng thủ đô Paris vừa tròn một tháng phong tỏa:

"Bạn thân yêu,

Mình vừa tỉnh dậy. Đêm qua chỉ ngủ có ba tiếng mà thôi. Mình đã lại đọc "Thiếu nữ đánh cờ vây" của Sơn Táp đến tận bốn rưỡi sáng. Thế nhưng mình không thấy mệt gì cả ngoài chuyện mắt sưng lên và đỏ ngầu. Ngoài kia nắng vàng rải nhẹ trên những nóc nhà lợp tôn màu xanh xám, sáng bóng lên dưới nền trời xanh nhạt của tháng tư. Gió dịu mát, làm đung đưa chiếc chuông gió nhỏ treo trên cửa sổ. Không khí dễ chịu như Hà Nội vào thu khiến mình muốn viết thư cho bạn để kể về những niềm vui nhỏ bé vốn dễ bị lãng quên.

Bạn vẫn khỏe chứ? Những ngày này có còn bình yên? Công việc và cuộc sống có giữ được nếp cũ? Thi thoảng có nhớ tới mình? Có còn nhớ đêm cuối mình ở nhà, chúng mình đã đi ăn cháo Ngõ Huyện và ghé vào cửa hàng nhỏ bán đồ flea market trên phố Chân Cầm? Mình đã rất vui, vì chúng mình lại như trẻ con, cười vô tư lự, giành nhau miếng quẩy giòn tan hoặc chụm đầu xuýt xoa trước chiếc tủ mà mỗi ngăn kéo mở ra là rương châu báu đầy bất ngờ. Mỗi lần đeo đôi bông tai hình hoa trà mua hôm ấy mình đều nhớ bạn, nhớ rằng mình đã hạnh phúc vì có bạn ở trong cuộc đời mình.

co gai Viet o Paris giua phong toa anh 1

"Trong cái nắng trong vắt của mùa xuân, từng giọt đàn thánh thót vang lên làm rung động cả không khí tĩnh mịch của con phố vắng tanh". Ảnh: do tác giả vẽ minh họa.

Hôm nay, Paris chính thức một tháng trời cách ly, và sẽ tiếp tục thêm một tháng nữa. Tình hình căng thẳng, số người mắc mới, số người nhập viện, số người hôn mê, số người chết cứ tăng liên tục ngày này qua ngày khác. Những con số nhảy nhót trong đầu khiến mình choáng váng. Trước sự vô lo cộng thêm bản tính hướng ngoại của người Pháp, ai cũng nghĩ con virus nó chừa mình ra, dịch bùng phát rất nhanh cho đến khi không kiểm soát được nữa.

Nhưng dần dà, mọi người cũng quen với nhịp sống mới. Mỗi tối đến 20h là lại lần lượt ra ban công vỗ tay cổ vũ cho y bác sĩ đang chiến đấu ngày đêm trong bệnh viện, hàng xóm cuối cùng cũng biết mặt nhau và bắt chuyện vui vẻ. Họ đọc sách, sưởi nắng, ăn tối trên ban công. Họ hát và nhảy và chơi đàn, để động viên tinh thần lẫn nhau. Buổi chiều, thi thoảng ai đó ở tầng dưới đánh một vài bản piano mình không biết tên. Trong cái nắng trong vắt của mùa xuân, từng giọt đàn thánh thót vang lên làm rung động cả không khí tĩnh mịch của con phố vắng tanh. Và kỳ diệu là lẫn vào trong giai điệu ngọt ngào người ta có thể nghe thấy tiếng chim hót, nhỏ, thanh, nhưng rõ ràng và tươi mới. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Trong lành hơn, chừng mực hơn, nhân văn hơn.

co gai Viet o Paris giua phong toa anh 2

Nghệ sĩ Camilo Peralta chơi đàn trên ban công ở Paris. Ảnh: AFP.

Mình đi qua những ngày này với sự bình thản kỳ lạ. Có lẽ vì những năm tháng xáo trộn trước đây đã rèn luyện cho mình một cái nhìn khách quan và điềm tĩnh hơn trước những bất ổn không ngừng của cả diễn biến bên ngoài lẫn thế giới nội tâm. Chuyện gì phải đến sẽ đến. Mình chỉ có một mình ở một đất nước xa lạ, lại là người có quỹ quan hệ nhỏ nên có lẽ việc "cách ly xã hội" đối với mình ít nhiều đã trở thành chuyện thường ngày từ lâu. Nhưng mình cũng rất nhớ mỗi tối thứ sáu đi hiệu sách như một nghi thức nhỏ đáng yêu cho một kỳ nghỉ cuối tuần thảnh thơi. Nhớ mùi sách và tiếng giấy mới cọ vào nhau sột soạt. Mình nhớ tiếng nhạc cổ điển cô giáo bật trong lớp học cắm hoa và nhớ câu lạc bộ cờ vây mà khó khăn lắm mình mới chiến thắng được bệnh trì hoãn để bắt đầu. Mình cũng nhớ bạn bè và đồng nghiệp, nhớ công viên và quảng trường, nhà hát và những con phố nhỏ xinh đẹp vẫn thích lang thang hàng ngày, như mình nhớ bạn và gia đình, nhớ phố cổ Hồ Gươm, nhớ kem dừa và cà phê trứng vậy. Nhưng mình vẫn ổn, và vui.

Một ngày của mình dài hơn một chút vì có thời gian để thở, và suy ngẫm, và mơ mộng vẩn vơ. Mình vẽ mỗi sáng và làm việc ở nhà buổi chiều, tối tối vẫn uống trà và thiền. Mình đọc sách nhiều hơn và tập thể dục đều đặn. Cuối tuần vẫn làm những việc không tên, khâu vá, đánh bóng đồ da, dọn dẹp mùa xuân. Nấu nướng trở thành niềm vui giản dị. Mọi thứ chậm lại, ít hơn nhưng chất hơn. Và mình cảm thấy, có lẽ đây là nhịp sống lý tưởng cho những ngày sau nữa.

co gai Viet o Paris giua phong toa anh 3

Tự nấu ăn trở thành nhịp sống quen thuộc của cô gái Hà Nội ở Paris giữa phong tỏa. Ảnh: do tác giả vẽ minh họa.

Thắp một vài ngọn nến lung linh trong bóng tối, quanh mình ngập mùi thanh mát của tinh dầu quýt yuzu, mình ngồi lặng yên. Mắt rất mỏi vì phải làm việc quá nhiều với những tiểu tiết trên màn hình máy tính và cả trên toan, lưng đau và trái tim sứt mẻ. Nhưng mình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc giản dị vì có thể làm chủ cuộc sống của mình, cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Và mình từng bước, từng bước đi tới những mục tiêu lớn nhỏ trong đời. Có lẽ tâm thế này giúp mình vượt qua những lo lắng bất an.

Mình đi qua những đại lộ không bóng người, những vườn hoa cổng khóa. Cây cối vẫn đâm chồi nảy lộc. Hoa mận nở, rồi anh đào, và mộc lan rực rỡ trong thứ ánh sáng lấp lánh mê hoặc của mùa xuân. Rồi sẽ ổn cả thôi, phải không? Những lời hẹn hò, những kế hoạch đây đó đều tạm gác lại. Nhưng sau những ngày này, chúng mình sẽ sống tốt hơn, nhiệt thành hơn, có trách nhiệm hơn, cả với bản thân và thế giới.

Giữ sức khỏe nhé. Và viết lại cho mình.

Yêu thương vô cùng,

P."

Người dân Pháp vỗ tay cổ vũ nhân viên y tế ra 'tiền tuyến' Người dân Paris trong các tòa chung cư đồng loạt vỗ tay cổ vũ cho đội ngũ y tế chiến đấu với dịch bệnh Covid-19.

Pháp tê liệt vì Covid-19, người Việt như ngồi trên đống lửa

Nước Pháp rơi vào tình trạng "ngủ đông" vì dịch Covid-19, người Việt gặp không ít bất lợi nhưng vẫn cố gắng có những sáng kiến để thời gian cách ly bớt dài và thêm ý nghĩa.

Người Việt bất an trong lòng Thụy Điển chống dịch 'khác người'

Người đeo khẩu trang hay găng tay ra đường ở đây phần lớn là người châu Á. Sẽ có những ánh mắt khó chịu nhìn bạn vì cho rằng nếu cần đeo khẩu trang tốt nhất bạn nên ở nhà.

P.

Bạn có thể quan tâm