Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 1 năm. Đáng chú ý, lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại BIDV và Vietinbank hiện cũng đã tăng lên mức 7%/năm, cao hơn so với 6,8-6,9% hồi tháng 7.
BIDV, Vietinbank tăng lãi tiền gửi 12 tháng lên 7%
Mới đây, SHB đã đưa ra thông báo điều chỉnh lãi suất cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này cũng được điều chỉnh mức lãi suất tăng lên 8,1%/năm.
Trước đó, OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12/8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỷ lệ này đã tăng 0,3 điểm %.
Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài từ đầu tháng 8. |
Sau lần điều chỉnh tăng hồi tháng 7, Eximbank tiếp tục tăng lãi suất huy động trong tháng 8. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này hiện nay lên tới 8,4%. Tất cả khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng, và 36 tháng đều sẽ được hưởng mức lãi suất nói trên, tăng 0,4 điểm % so với lần điều chỉnh trước.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này cũng đã tăng lên 7,9%/năm so với mức 6,8% hồi tháng 6.
Đặc biệt, trong đợt tăng lãi suất lần này, cả BIDV và Vietinbank đều niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó. Đây cũng là lần hiếm hoi mà những nhà băng lớn tăng lãi suất với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân.
Trên thị trường hiện nay, ngân hàng có lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất là ABBank với 8,5%/năm. Mức lãi này cao hơn mặt bằng chung hệ thống khoảng 1-1,5 điểm %.
Bình quân, nếu gửi 1 tỷ đồng vào nhà băng này, mỗi năm tiền lãi nhận về sẽ vào khoảng 85 triệu đồng (tương đương hơn 7 triệu đồng/tháng).
Ngoài ra, 4 ngân hàng khác niêm yết lãi kỳ hạn 12 tháng trên 8% gồm CBBank, NCB, SHB và VietcapitalBank.
Với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, ngoài Vietinbank và BIDV đã tăng lãi suất kỳ hạn này lên 7%, Vietcombank và Agribank vẫn giữ nguyên mức lãi 6,8%/năm.
Lãi suất dài hạn cao nhất 8,6%
Các kỳ hạn dài trên 18 tháng cũng được nhiều ngân hàng tăng trong tháng 8.
Theo đó, lãi tiền gửi cao nhất hiện nay thuộc về VietcapitalBank với 8,6%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 tháng trở lên.
Với mức kỳ hạn 18 tháng, đây cũng là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất, đạt 8,5%/năm.
Ở nhóm kỳ hạn này, Eximbank là ngân hàng lớn nhất đưa ra mức lãi suất 8,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài tương tự tại CBBank cũng đang là 8,2%/năm.
Với nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn như MBBank, VPBank, ACB… mức lãi kỳ hạn dài chủ yếu dao động trong khoảng 7,4-7,8%/năm.
BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank vẫn là 4 ngân hàng có lãi suất ở kỳ hạn này thấp nhất hệ thống, dao động trong khoảng 6,7-6,8%/năm.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng tại một số ngân hàng:
Ngân hàng |
Lãi suất kỳ hạn 18T trở lên (%/năm) |
Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, SeABank | Dưới 7% |
Techcombank, Sacombank, LienVietPostBank, Oceanbank | 7% đến 7,2% |
ABBank, MBBank, VPBank, SHB | 7,3% đến 7,5% |
MSB, BaoVietBank, SCB, DongABank | 7,5% đến 7,7% |
NCB, NamABank, BacABank, OCB, PVComBank, ACB, VIB, TPBank | 7,8% đến 8% |
CBBank, VietcapitalBank, Eximbank | Trên 8% |
Ước tính, nếu người dân chọn gửi tiền vào nhóm ngân hàng lớn này, mức lãi suất nhận được sẽ thấp hơn khoảng 1,5-1,8 điểm % mỗi năm. Tương đương với 1 tỷ đồng tiền gửi, chênh lệch tiền lãi giữa 2 nhóm ngân hàng sẽ vào khoảng 15-18 triệu/năm.
Chứng chỉ tiền gửi lãi suất 10,2%/năm
Không chỉ tăng mạnh lãi suất với tiền gửi kỳ hạn dài, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cũng đang được một số ngân hàng đẩy lên rất cao để huy động vốn dài hạn.
Cụ thể, VietcapitalBank vừa công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất tối đa lên tới 10,2%/năm. Đây là mức lãi chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay mà một ngân hàng thương mại đưa ra.
Theo đó, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này có mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng với khách hàng cá nhân và 100 triệu đồng với khách hàng tổ chức.
Mức lãi suất sẽ dao động từ 9,5%/năm; 9,8%/năm; 10%/năm; và tối đa 10,2%/năm với các kỳ hạn tương ứng 24 tháng; 36 tháng; 48 tháng; và 60 tháng.
Với loại chứng chỉ tiền gửi này, lãi suất sẽ được trả định kỳ 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ. Ngoài ra, chủ sở hữu sẽ được chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi trong thời hạn phát hành.
Với lãi suất lên tới 10,2%, chứng chỉ tiền gửi của VietcapitalBank hiện cũng cao hơn mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tối đa tại ngân hàng này là 8,6%/năm.
Trước đó, đầu tháng 8, VIB cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, với lãi suất 9,1%/năm.
Mức lãi suất tương tự cũng được VietABank đưa ra hồi đầu tháng 5.
Trong khi đó, hầu hết ngân hàng trong hệ thống hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên dưới 8%.