Báo cáo tài chính quý II/2019 công bố mới đây của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động - MWG đã cho biết tình hình kinh doanh tại các công ty con và công ty liên kết trong đó có chuỗi nhà thuốc An Khang.
Chuỗi nhà thuốc liên tục thua lỗ
Đầu năm 2018, Thế giới Di động cho biết đã nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần, tương đương 49% tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang (chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên).
Theo đó, giá trị chuyển nhượng ghi nhận trên báo cáo tài chính của Thế giới Di động cho thương vụ này là hơn 62 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm rót vốn, kết quả kinh doanh của nhà thuốc này không mấy khả quan và liên tục thua lỗ. Sau khi lỗ lũy kế 2,1 tỷ đồng trong năm 2018, nửa đầu năm nay, nhà thuốc này tiếp tục lỗ gần 500 triệu đồng, đẩy lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 lên mức 2,6 tỷ đồng.
Kết quả, khoản đầu tư hơn 62 tỷ đồng của Thế giới Di động vào đây hiện giá trị còn lại tương đương 59,4 tỷ đồng do lỗ lũy kế cấn trừ.
Một nhà thuốc An Khang trên phố Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: ForbesVN. |
Theo thông tin đăng ký, Công ty Bán lẻ An Khang được thành lập vào cuối tháng 8/2017. Ban đầu, công ty có ba cổ đông sáng lập, trong đó có ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban kiểm soát của Thế giới Di động là cổ đông góp vốn với 1% cổ phần.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2018, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, đã cho biết công ty có kế hoạch mua 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc này thay vì mất 2-3 năm để tự xây dựng mô hình kinh doanh dược phẩm.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Thế giới Di động sau đó đã thông báo về việc hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Thay vì chi phối hoạt động tại chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế giới Di động sẽ tạm đóng vai trò là cổ đông lớn hỗ trợ nhà thuốc này.
Đầu tư hơn 140 tỷ tiền hàng đồng hồ, mắt kính, trang sức
Nửa đầu năm qua Thế giới Di động cũng tuyên bố lấn sân kinh doanh hàng loạt mặt hàng mới như đồng hồ, mắt kính, và trang sức.
Tính đến cuối tháng 6, công ty này đã đầu tư hơn 140 tỷ đồng vào các sản phẩm đồng hồ, mắt kính, trang sức lưu lại trong kho hàng.
Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty cũng cho biết đã triển khai việc bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 34 cửa hàng thegioididong.com và Điện máy Xanh.
Doanh số đồng hồ bán ra nửa đầu năm nay là gần 11.000 chiếc, các cửa hàng có bán mặt hàng này ghi nhận doanh thu tăng khoảng 10%.
Từ cuối tháng 6, công ty bắt đầu kinh doanh mắt kính với cửa hàng đầu tiên tại quận 9, TP.HCM. Mặt hàng này được trưng bày bên trong cửa hàng thegioididong.com cùng với nhóm ngành đồng hồ.
Báo cáo lần này cũng cho biết thiết bị gia dụng đang là ngành lớn thứ 3 của Thế giới Di động. Giá trị hiện tại của ngành này trong kho hàng đang là gần 2.200 tỷ đồng, tăng 18% và chiếm 13% tổng giá trị hàng tồn kho.
Đây cũng là một trong ít ngành ghi nhận tăng giá trị hàng tồn kho nửa năm qua cùng với thực phẩm - hàng tiêu dùng và máy tính xách tay.
Ngược lại, giá trị hàng thiết bị điện tử trong kho đã giảm hơn 400 tỷ đồng (5%), điện thoại di động giảm 1.100 tỷ đồng (21%) sau nửa năm.
Khoản mục thay đổi lớn nhất trên báo cáo tài chính của Thế giới Di động là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 6.100 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3-12 tháng với lãi suất dao động 7,2-7,7%/năm.
Thay đổi tương đương trên phần nguồn vốn là hơn 3.200 tỷ đồng vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động, và 2.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này bổ sung. Tính đến cuối tháng 6, Thế giới Di động đang có tổng cộng 5.440 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Sau 6 tháng kinh doanh năm nay, toàn hệ thống của công ty này ghi nhận 51.621 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.121 tỷ đồng, tăng 38%.
Theo ban lãnh đạo công ty, đà tăng doanh thu và lợi nhuận nói trên đến từ việc tăng thêm 262 cửa hàng mới trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng lũy kế 6 tháng đều cải thiện so với cùng kỳ do công ty tiếp tục tập trung kinh doanh nhóm hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu là điện máy. Cùng với đó là đóng góp từ những nhóm hàng có sản lượng tiêu thụ lớn dù giá trị mỗi sản phẩm không cao nhưng vẫn đảm bảo biên lợi nhuận tốt.