Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân viên

Không chỉ ACB, nhiều ngân hàng khác cũng có chủ trương cắt giảm mạnh nhân sự do nhu cầu cắt giảm chi phí và chưa thể mở rộng thêm chi nhánh mới.

Nhiều ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân viên

Không chỉ ACB, nhiều ngân hàng khác cũng có chủ trương cắt giảm mạnh nhân sự do nhu cầu cắt giảm chi phí và chưa thể mở rộng thêm chi nhánh mới.

Chiều 28/11, Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, xác nhận với phóng viên việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên thử việc. Số nhân viên này, theo ông Toại, là do ACB tuyển về, đào tạo từ một năm nay cho kế hoạch phát triển, mở rộng mạng lưới ngân hàng này năm 2013. Tuy nhiên, chờ đợi một thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước đã không chấp thuận cấp phép cho các điểm giao dịch, chi nhánh mới. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên thử việc của nhà băng này là điều không mong muốn, vì theo ông Toại: “Bản thân ACB cũng phải chịu thiệt hại khi bỏ chi phí, tiền lương để trả cho số nhân sự này, sau đó lại ngừng hợp đồng lao động”.

Ông Toại cũng tái khẳng định, sự việc này không liên quan gì tới các biến cố xảy đến với ACB trước đó như vụ bầu Kiên bị bắt, Lý Xuân Hải hay các thành viên HĐQT bị khởi tố cũng như kết quả kinh doanh không mấy khả quan của ACB trong quý III. “Những nhân viên đã ký hợp đồng chính thức với ACB vẫn làm việc bình thường, không biến động gì”, ông Toại nhấn mạnh.

 

 Ngân hàng là một ngành đặc thù, thường xuyên luân chuyển cán bộ nhân viên, song năm nay, tại nhiều nhà băng, đang xảy ra biến động về nhân sự

Về trách nhiệm đối với những nhân sự bị chấm dứt hợp đồng thử việc, phía ACB cho hay không có phương án hỗ trợ vì trong hợp đồng có nêu rõ các điều kiện đối với lao động. Mặt khác, việc chấm dứt hợp đồng lao động không phải do ACB mong muốn và bản thân nhà băng này cũng phải chịu thiệt hại khi đã bỏ chi phí đào tạo, tuyển dụng, trả lương. "Chúng tôi cũng không rõ lý do không được mở rộng mạng lưới, chỉ thấy một số thông tin từ cơ quan chức năng là hệ thống ngân hàng cần củng cố hoạt động và đã chờ cả năm lại không được nên đành chấm dứt hợp đồng", lãnh đạo ACB phân trần.

Không chỉ đến khi thị trường xôn xao với thông tin ACB chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên thử việc, trước đó, trên thị trường cũng xuất hiện sự kiện nhân viên Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) viết đơn nặc danh “tố” bị cắt giảm nhân sự.

Trong lá đơn gửi tới các cơ quan ngôn luận, các nhân viên SeaBank cho biết, cuối năm 2011, phòng nhân sự nhà băng này đã gọi họ sang làm việc với mức lương hấp dẫn hơn. Song đến đầu tháng 10/2012, cũng chính phòng nhân sự lại gọi họ lên và lấy lý do “ngân hàng đang cơ cấu lại và tình hình tài chính 9 tháng đầu năm hoạt động không tốt, tài chính đang kiệt quệ nên phải cắt giảm nhân sự”, và những người này nằm trong danh sách cắt giảm.

Nội dung lá đơn cũng cho biết, khi gặp lãnh đạo, nhân viên được đưa cho 2 phương án: Một là tự viết đơn xin nghỉ việc, hai là sẽ bị chuyển về làm nhân viên chi nhánh khác nếu như cố tình trụ lại. Cũng theo những người viết đơn, phía ngân hàng giải thích cho việc không trực tiếp ra quyết định sa thải là do “liên quan đến luật Lao động và phải đền bù thiệt hại”. Những người viết lá đơn này cũng cho biết có 2 nhân viên nữ mới thử việc 2 tuần, không những không nhận được lương mà còn phải đi ngay lập tức.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Đông Nam Á cho biết, việc luân chuyển cán bộ là chuyện bình thường đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự ngành ngân hàng và để để phục vụ phát triển sẽ điều chuyển một số cho phù hợp yêu cầu hệ thống. Lãnh đạo nhà băng này cũng khẳng định không cắt giảm nhân sự mà đã tuyển thêm hơn 700 lượt người tính đến hết quý III, thậm chí còn có kế hoạch mở rộng thêm.

Tại Hà Nội, từ cuối năm 2011 đến nay, một ngân hàng cũng nằm trong nhóm G14+1 cũng thông tin không chính thức tới nhân viên là sẽ cắt giảm 20% nhân sự. Nhiều nhân viên làm việc tại đây, khi hết hạn hợp đồng không được tiếp tục ký mới.

Nhìn nhận về vấn đề nhân sự ngành ngân hàng, đa phần những người trong ngành và chuyên gia đều khá cởi mở. Bà Nguyễn Thu Hà - nguyên Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, nhân sự ngành ngân hàng, nếu để một người làm mãi một vị trí, có thể sẽ làm giảm sự hưng phấn, đam mê công việc. Do đó, theo bà Hà, việc luân chuyển cán bộ cần được tăng cường. Vietcombank cũng là nhà băng có thể xem xét xu hướng dịch chuyển cán bộ từ ngân hàng này đến ngân hàng khác và có chế độ lương bổng “cứng” và “mềm” để giữ cán bộ.

Còn theo quan điểm của ông Lưu Trung Thái - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội, có thể chính sách nhân sự mỗi nơi một khác, nhưng chắc chắn các ngân hàng đều phải xác định tỷ lệ sàng lọc nhất định, thường là 5-10%. Trong điều kiện xấu hơn, khi yêu cầu đặt ra là phải cắt giảm chi phí ồ ạt thì thách thức lớn nhất sẽ là việc mất đi những người xuất sắc.

lan Anh

Theo Infonet

lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm