Nhiều ngân hàng lỗ nặng do vàng
Hoạt động huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng bị lỗ nặng trong năm qua.
Vào thời điểm này những năm trước, các ngân hàng đã lần lượt báo cáo mức chia lợi nhuận rất lớn thì nay rất nhiều ngân hàng báo về mức lợi nhuận thấp. Lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng giảm hơn 50% so với năm 2011. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013, diễn ra ở TP.HCM ngày 21/1.
52 ngân hàng không có lãi và lỗ
Về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, kết quả chỉ đạt 667 tỉ đồng, giảm khoảng 96% so với năm 2011. Trong đó, báo cáo của Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP.HCM còn cho thấy: trên địa bàn thành phố có 52 đơn vị không có lãi và bị lỗ.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh ngân hàng tại TP.HCM giảm mạnh, theo ông Lâm là do việc kinh doanh lỗ và phần lớn là nợ xấu. Nợ xấu những tháng gần đây có giảm nhưng thực sự vẫn tác động mạnh đến hoạt động của các ngân hàng. “Đặc biệt, nhiều ngân hàng lỗ do huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng, bên cạnh đó là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư và thất thoát vốn từ các vụ phát sinh” - ông Lâm nói.
Trao đổi bên lề hội nghị, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng một nguyên nhân khác là chính sách buộc phải giảm lãi suất cho vay ngay, không có độ trễ. Trong khi trước đó ngân hàng đang huy động lãi suất cao, nay phải hạ xuống ngay nghĩa là chấp nhận giảm lợi nhuận.
Nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ được dùng để xử lý nợ xấu. |
Thống đốc NHNN nhận định lợi nhuận giảm cũng có yếu tố từ việc siết lại trích lập dự phòng rủi ro, trước đây trích lập chưa đủ thì nay phải đủ. Để đảm bảo an toàn tài chính của mình, ngân hàng giảm bớt lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận là điều dễ hiểu. “Lợi nhuận giảm tuy đáng buồn nhưng vẫn có điểm mừng là các ngân hàng đã về đúng giá trị thật, từ đây sẽ làm ra lợi nhuận thật. Đó là cơ sở nền tảng để ổn định và phát triển bền vững hơn” - Thống đốc nói thêm.
Ba chương trình xử lý nợ xấu
Trong các khối ngân hàng, theo thống kê của NHNN, khối ngân hàng thương mại nước ngoài và ngân hàng ngoại thương đạt kết quả kinh doanh cao nhất. Bởi vậy, ông Tô Duy Lâm cho rằng, một trong những vấn đề các tổ chức tín dụng cần thực hiện trong năm 2013 là nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, năng suất lao động…
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, muốn vượt qua khó khăn thì bản thân các ngân hàng phải tự cứu mình trước, phải trích lập dự phòng rủi ro. Kết quả đánh giá trên toàn hệ thống năm 2012, mức trích lập dự phòng rủi ro tăng rất nhiều so với năm trước. Trong năm 2013, NHNN vẫn có hạn mức tín dụng và phân loại các tổ chức tín dụng để đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng. Nguồn trích lập dự phòng rủi ro sẽ được dùng để xử lý nợ xấu. “Từ báo cáo của các tổ chức tín dụng và sự giám sát của NHNN cho thấy nợ xấu đã giảm đáng kể. Thông tin cụ thể và chi tiết sẽ được công bố vào cuối tháng 1 và đây là tiền đề để triển khai các bước sắp tới” - ông Bình cho biết.
Vì thế, cũng theo ông Bình, năm nay sẽ có ba chương trình liên quan tới vấn đề nợ xấu. Thứ nhất là trích lập dự phòng rủi ro và dùng chính số tiền này để xử lý nợ xấu. Thứ hai là gói giải pháp hướng vào việc giải quyết vấn đề tồn kho của thị trường bất động sản. Gói giải pháp này cần sự phối hợp giữa NHNN, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Thứ ba, giải quyết nợ xấu sẽ thông qua công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). “Đề án đang chờ Bộ Chính trị chính thức thông qua. Nếu công cụ này triển khai sớm sẽ góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu sớm hơn, tạo thanh khoản và luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ của việc giải quyết nợ xấu còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý cùng sự phối hợp của các tổ chức” - Thống đốc nói.
Người dân gửi tiết kiệm VND tăng 43% Năm 2012, huy động VND toàn TP.HCM tăng hơn 19% so với năm 2011. Trong đó, mức huy động từ tiền của người dân tăng 42%-43%. Nếu không có tăng trưởng tiền đồng của người dân thì làm sao có được mức tăng trưởng 19%, từ đó mới có mức tăng trưởng của cả nước cả về ngoại tệ lẫn VND 12% so với năm 2011- Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN. |
Theo Pháp Luật TP.HCM