Trao đổi với VietNamNet, sáng 27/5, bà Nguyễn Thị Tám, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội), cho biết sau khi sự việc liên quan đến thầy Đ.Q.T. được phản ánh vào khoảng cuối tháng 12/2022, địa phương đã lập tổ công tác xác minh sự việc, tách bạch số tiền lương thầy giáo nhận sai quy định.
Bà Tám cho hay đến nay, tổ công tác liên ngành của UBND huyện Đông Anh đã dự thảo kết luận liên quan đến vụ việc ông Đ.Q.T., nguyên giáo viên trường THCS Bùi Quang Mại, nhiều năm không dạy liên tục nhưng vẫn hưởng lương.
Theo dự thảo, cơ quan chức năng sẽ buộc ông Đ.Q.T. phải ra khỏi ngành, truy thu số tiền ông T. nhận trái quy định suốt thời gian qua. Thực tế, theo bà Tám, ông Đ.Q.T. cũng đã có đơn xin nghỉ khỏi ngành.
“Chúng tôi sẽ làm nghiêm túc, giải quyết mọi việc, xác minh rõ số tiền thầy T. nhận sai đâu sẽ truy thu lại ở đấy theo đúng quy định, cùng đó sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý những cá nhân có liên quan. Chúng tôi không bao che, nhưng cũng phải làm thấu đáo về tình và lý bởi thầy T. cũng đúng bị ốm đau, bệnh tật. Lúc thầy T. đi chữa trị thời gian ngắn, lúc thời gian dài, sau này mới trở nặng”, bà Tám nói.
Chia sẻ thêm với VietNamNet, ông Nguyễn Khả Đống, Phó hiệu trưởng trường THCS Bùi Quang Mại, cho biết tổ công tác liên ngành đã về trường để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để thầy Đ.Q.T. ra khỏi ngành đồng thời thầy phải trả lại khoảng hơn 130 triệu đồng đã nhận sai trước đó.
"Thực tế, thầy T. đã dừng tất cả công tác tại trường từ trước đây và cũng dừng trả lương từ lúc đó. Theo tính toán, số tiền thầy Đ.Q.T. phải trả lại là khoảng 136 triệu đồng. Sau khi huyện công bố kết luận, chúng tôi sẽ gửi thông báo đến các cơ quan cấp trên để tiếp tục xử lý các cá nhân có liên quan”, ông Đống nói.
Bà Nguyễn Thị Tám cho hay qua sự việc, UBND huyện cũng đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, bà cũng quán triệt toàn huyện về việc rà soát để bố trí, sắp xếp giáo viên theo đúng quy định, cùng đó yêu cầu các phòng ban tăng cường kiểm tra các nhà trường để nếu có vấn đề thì chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ngay.
Trước đó như VietNamNet đưa tin, thầy giáo Đ.Q.T. không đứng lớp liên tục nhiều năm vì sức khỏe. Ông Nguyễn Khả Đống, Phó hiệu trưởng trường THCS Bùi Quang Mại, cho biết thầy Đ.Q.T. được tuyển dụng vào biên chế chính thức, làm giáo viên Tiếng Anh của trường THCS Bùi Quang Mại khoảng năm 1998-1999.
Vài năm sau, thầy T. phải đi chữa bệnh và không tham gia vào việc dạy học trên lớp. Theo ông Đống, ban đầu thầy giáo này chỉ xin nghỉ vì bị bệnh thông thường và nhờ một giáo viên khác dạy thay. Nhưng sau đó, bệnh nặng dần và khoảng 4-5 năm nay nặng hẳn.
“Với những triệu chứng ban đầu, thầy T. cũng không nghỉ dạy, sau đó bệnh nặng dần. Trong 4-5 năm gần đây, lúc nào bệnh tình thuyên giảm, thầy cố gắng đi dạy. Khi đi chữa bệnh thì thôi, nhưng gần như là không dạy”.
Gia đình phải đưa thầy T. đi chữa trị, khi thì một tuần, khi vài tháng và có khi kéo dài cả năm.
“Tất cả những lần nghỉ, thầy T đều có đơn xin phép, khi đỡ thầy lại đi làm”.
Đầu năm học này, nhà trường cũng đã chuyển thầy làm công việc khác, không đứng lớp để đảm bảo không ảnh hưởng chất lượng dạy học.
"Thầy T. đi dạy không đầy đủ, liên tục. Nhà trường làm như vậy là muốn tạo điều kiện cho thầy vừa có thể đi chữa bệnh vừa tiếp tục làm nghề", ông Đống nói.
Khoảng tháng 12/2022, sau khi một số giáo viên trong trường có ý kiến về sự việc, nhà trường đã họp với thầy T. và đã báo cáo sự việc lên các đơn vị quản lý cấp trên.
Khi đó, theo ông Đống, nhà trường đã xin ý kiến cấp trên và vận động gia đình để thầy T. nghỉ công tác khỏi ngành. Gia đình thầy cũng đã có đơn về việc này.
Nhà trường sau đó đã báo cáo sự việc với Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh và thống nhất quan điểm để thầy T. ra khỏi ngành.
Giải thích về việc dù không lên lớp dạy học thường xuyên nhưng nhiều năm liền, thầy T. vẫn được nhà trường đánh giá "hoàn thành nhiệm vụ", ông Đống cho hay: "Các tiết dạy của thầy vẫn được đảm bảo đầy đủ do nhờ được giáo viên khác dạy hộ".
Trước những ý kiến cho rằng thầy T. được trường bao che và vẫn được nhận lương vì là người nhà của ban giám hiệu, ông Đống khẳng định đó là thông tin bịa đặt. “Thầy T. không có họ hàng nào ở trường”, ông Đống nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên