Thành, một kỹ thuật viên lành nghề của công ty ôtô có trụ sở tại TP Thủ Đức đã kẹt lại quê Tiền Giang 4 tháng nay. Nghe thông báo công ty hoạt động trở lại từ 1/10, anh hào hứng chỉ mong quay trở lại làm việc.
“Tôi liên tục liên hệ với bộ phận nhân sự của công ty để nhờ hướng dẫn thủ tục, nhưng phải đăng ký với địa phương và sẽ được đưa đón chung với những lao động khác, không thể tự di chuyển", kỹ thuật viên này nói.
Tuy nhiên, 10 ngày qua, Thành vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Ngoài việc muốn lên TP làm việc, anh còn mong có cơ hội được tiêm vaccine.
Hiện nay bên cạnh dòng người ồ ạt từ TP.HCM về quê, nhiều lao động lại có nhu cầu quay trở lại thành phố để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, việc tìm đầu mối liên hệ, đăng ký danh sách giữa doanh nghiệp với TP.HCM và các tỉnh thành khác vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh dòng người đổ về quê, nhiều lao động mong muốn được quay lại TP.HCM tiếp tục làm việc, kiếm sống. Ảnh: Phạm Trường. |
"Không thể nằm chờ chết đói"
Mắc kẹt ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) 5 tháng nay, anh Phan Cường (Sóc Trăng) - một nhân viên của doanh nghiệp trong ngành F&B sốt sắng tìm cách quay lại TP.HCM làm việc. Anh quyết định ngày 10/10 sau khi chuẩn bị xong xuôi giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, chứng nhận đã tiêm vaccine và giấy mời đi làm trở lại của công ty sẽ đi xe cá nhân vào thành phố.
"Một số người chuẩn bị đủ giấy tờ như vậy đã vào được TP.HCM. Hiện tôi đã tiêm 1 mũi vaccine Covid-19 được 7 tuần, cũng phải đánh liều thôi không thể nằm chờ chết đói được mặc dù nghỉ dịch công ty vẫn hỗ trợ", anh nói và cho biết công ty của anh ở quận 7 đã hoạt động lại được nửa tháng nay.
Theo anh Cường, quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm và tự biết bảo vệ bản thân mình. Hiện từ Mỹ Tho đến TP.HCM, anh Cường tính toán sẽ phải đi qua 2 chốt ở 2 địa phận Long An và Tiền Giang. "Còn chốt ở cửa ngõ Sài Gòn chắc sẽ dễ hơn vì địa phương này đang cần nhân lực", anh nói.
Tương tự, mấy ngày nay, chị Thu Hằng ở Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) - là lao động tự do cũng hỏi thăm nhiều người về cách di chuyển vào TP.HCM.
"Nghe thông tin TP.HCM sẽ đón công nhân nhưng không biết làm cách nào. Hỏi phường thì được hướng dẫn liên hệ công ty lập danh sách gửi cơ quan chức năng và chờ xe đưa vào TP nhưng là lao động tự do thì tôi không biết liên hệ ai", chị thắc mắc và cho biết đã tiêm vaccine 1 mũi được hơn 30 ngày.
Vì cuộc sống, miếng cơm manh áo mà nhiều người lao động bắt buộc phải quay lại TP.HCM làm việc. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thực tế, không chỉ Thành, anh Cường, chị Hằng mà rất nhiều người lao động ở miền Trung, miền Tây đang gấp rút hỏi thông tin, cách thức để quay lại TP.HCM làm việc. Một số chia sẻ vẫn bị mắc kẹt ở tỉnh, chưa được tiêm vaccine và không biết làm cách nào để được tiêm vaccine, đủ điều kiện quay lại TP.HCM. Một số khác cho biết đã tự đi xe máy đến TP.HCM để làm việc trở lại.
Chị Thảo (Bình Thuận) - nhân viên y tế - cho biết chị vừa đi xe máy từ quê vào thành phố vài ngày trước. "May mắn đã tiêm 2 mũi nên việc di chuyển qua các chốt cũng dễ dàng. Trước khi đi tôi chuẩn bị giấy xét nghiệm, thêm giấy đi đường và giấy mời của công ty", chị kể.
"Quyết định quay lại TP.HCM làm việc khiến gia đình mình ai cũng lo lắng, nhưng đây là công việc, không làm thì không có tiền để nuôi con với gia đình", chị nói thêm.
Địa phương chưa có kế hoạch hỗ trợ lao động quay lại TP.HCM
Trao đổi với một lãnh đạo tỉnh ở miền Tây về việc hỗ trợ cho người lao động tại tỉnh có nhu cầu quay trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc, vị này cho hay: “Thực sự lúc này chỉ tập trung vào việc tiếp nhận người lao động từ xa trở về và giải quyết việc làm cho họ trong thời gian tới”.
“Nếu người lao động muốn trở lại TP.HCM để làm việc, thì phía TP cần có giấy đề nghị hỗ trợ để tỉnh bố trí đưa, hoặc tự người lao động di chuyển, bởi từ đây lên tới TP.HCM còn phải qua nhiều trạm kiểm soát của các địa phương khác”, vị này nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh Lan - Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Quảng Ngãi - khẳng định đơn vị đang phối hợp rà soát, lập phương án tạo cơ hội việc làm cho người dân về quê tránh dịch Covid-19 chứ chưa có phương án đưa người lao động quay lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm việc.
Người lao động vẫn đang bối rối về phương thức quay lại thành phố. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Trung, chủ một doanh nghiệp tại Sóc Trăng thì nhận định số lượng người muốn trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để làm việc rất thấp. “Chỉ có khoảng 30% là có nhu cầu quay trở lại TP, nhưng với tình hình đi lại khó khăn, nhiều người đã bỏ ý định đó", ông nói.
Bởi sau đợt giãn cách dài, thất nghiệp, vất vả lắm mới quay trở lại được quê, tâm lý của mọi người đa phần là lo sợ lặp lại cảnh ngộ này lần nữa. Hơn nữa, làm việc tại quê dù thu nhập bằng nửa trên TP, chi phí ở đây cũng nhẹ hơn, cùng lắm thì có đất đai, sông nước tự cung tự cấp.
"Chưa kể sau đợt dịch này, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển dịch về các địa phương nhiều hơn, khi đó việc làm, nhất là với người lao động đã có tay nghề cũng dễ dàng hơn", doanh nhân này cho biết.
Kế hoạch đón lao động của TP.HCM ra sao?
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) - cho biết ở công văn 3232 của UBND TP.HCM có phương án vận chuyển người lao động giữa các tỉnh đến TP.HCM để làm việc.
Theo đó, người lao động là người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi đối với vaccine tiêm 2 mũi thì được quay lại thành phố.
Phương tiện vận chuyển lao động phải di chuyển bằng ôtô trên 10 chỗ và Sở GTVT sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh thành phố phối hợp thực hiện.
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM
Đối với lao động thuộc doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao muốn vào TP làm việc, ông An cho biết các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển sẽ gửi phương án vận chuyển về UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp... hoặc bộ ngành quản lý để rà soát tổng hợp gửi Sở GTVT TP.HCM để triển khai đưa đón người lao động về thành phố.
"Về phương tiện vận chuyển lao động phải di chuyển bằng ôtô trên 10 chỗ và Sở GTVT TP.HCM sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh thành phố và sở GTVT các tỉnh sẽ phối hợp thực hiện", ông nói.
Đối với lao động tự do muốn quay lại thành phố, ông An cho biết đối tượng này thuộc phương thức vận chuyển thứ 3 trong văn bản 3231 của UBND TP.HCM ngày 30/9.
Dự kiến từ 1/11, thành phố sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây của TP.HCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.
"Các đối tượng này cũng phải thực hiện theo quy định của Chỉ thị 18 như: Là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày; tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày", Phó giám đốc Sở GTVT nói.