Hôm qua 11/5, ASEAN ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế không thực hiện các hành động gây thêm căng thẳng trên biển Đông. ASEAN kêu gọi đẩy nhanh việc thành lập bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển Đông Nam Á.
Lãnh đạo các quốc gia tham gia Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh: Tuổi trẻ |
Báo Inquirer dẫn lời Tổng thống Philippines Aquino tiết lộ tại hội nghị ở Myanmar, rất nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ sự lo ngại về những căng thẳng mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Một nhà lãnh đạo mô tả việc Bắc Kinh đưa giàn khoan và tàu chiến tới vùng biển Việt Nam là “chính sách gây hấn nguy hiểm”.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng Trung Quốc không thể dùng “chính sách ngoại giao tàu chiến”. Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh phải giải quyết căng thẳng trên Biển Đông một cách bình tĩnh và hợp lý. Ông khẳng định ASEAN cần có quyết tâm chung tay giải quyết vấn đề “nếu muốn tiếp tục là một tổ chức đáng được tôn trọng”.
Theo báo Straits Times, tại Myanmar, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố ASEAN cần đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc quản lý các vấn đề trên Biển Đông. Ông khẳng định các xung đột trên biển có thể leo thang, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng những diễn biến vừa qua trên Biển Đông là lời cảnh tỉnh đối với ASEAN rằng cần phải gấp thành lập COC để ngăn chặn xung đột. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN hỗ trợ tối đa quá trình soạn thảo COC.
Trong khi đó, giới học giả quốc tế tiếp tục lên tiếng chỉ trích Trung Quốc dữ dội. Truyền thông Đức dẫn lời tiến sĩ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP), cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại.
Ông khẳng định: "Hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết".
Chuyên gia Đức cũng cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như DOC.
Theo ông, hành động hiếu chiến của Trung Quốc không có lợi cho quan hệ kinh tế và chính trị với các nước láng giềng phía Nam, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng cho mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh rằng để căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các nước Đông Nam Á cũng như lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Ông cho rằng Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc như Malaysia và Philippines cần bàn thảo để có tiếng nói chung khi giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Trong khi đó tờ Minh Báo của Hong Kong nhận định Nhật có thể sẽ lên kế hoạch thành lập khối liên minh với Việt Nam và Philippines để đối phó với các đòi hỏi chủ quyền vô lý và bất hợp pháp của Trung Quốc. Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida từng khẳng định các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn xuất phát từ những hành vi khiêu khích đơn phương của Bắc Kinh.