Một tuần qua, nhiều nhà hàng và quán ăn ở các tỉnh miền Tây được phép hoạt động theo hình thức bán tại chỗ. Có vài tỉnh chưa cho nhà hàng bán thức uống có cồn.
Tại Cà Mau, Sở Y tế có văn bản áp dụng cấp độ 2 của dịch Covid-19 toàn tỉnh từ 24/10. Đối với cấp xã, phường, Cà Mau có 86 vùng xanh, 15 vùng vàng, không có vùng cam, đỏ.
Từ một tuần trước, chính quyền TP Cà Mau đã cho các nhà hàng, quán ăn đặt bàn bán tại chỗ, trừ thức uống có cồn. Tuy nhiên, một số quán vẫn đóng cửa hoặc bán mang về do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Vẫn bán mang về
Hiện, mỗi ngày tỉnh Cà Mau tiếp nhận trên 200 người hồi hương từ TP.HCM và các tỉnh. Trong đó, ngành y tế phát hiện nhiều F0 và một số người tái dương tính nCoV sau khi về quê. Việc này khiến một số hàng quán hạn chế quy mô kinh doanh.
Tại Sóc Trăng, quán phở Anh Dũng mỗi ngày có hàng trăm lượt khách trong thời điểm chưa có dịch. Sau nhiều tháng áp dụng giãn cách, Sóc Trăng cho phép nhà hàng, quán ăn kinh doanh theo hình thức phục vụ tại chỗ nhưng chủ quán Anh Dũng vẫn bán mang về.
Phở Anh Dũng chỉ bán mang về để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Anh Dũng còn treo thông báo khuyến cáo khách hàng chỉ chờ mua mỗi lượt 2 người nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Tôi chưa tiêm đủ 2 liều vaccine nên chưa phục vụ tại chỗ. Chờ người dân tiêm đủ 2 liều đạt tỷ lệ cao tôi mới bán bình thường trở lại. Dịch bệnh này không biết mọi người như thế nào nên mình phải ý thức cao”, chủ quán Anh Dũng chia sẻ.
Tương tự, quán bún bò Huế 168 đường Lê Hồng Phong, TP Sóc Trăng dù rất đắt khách nhưng chỉ bán mang về. Vài ngày trước, quán phục vụ tại chỗ được vài hôm rồi ngừng việc cho khách ngồi ăn để phòng dịch.
Gần trụ sở Điện lực Sóc Trăng, chị Trịnh Thị Linca (chủ quán cà phê Gạo) mở cửa bán giải khát nhưng chỉ phục vụ khách quen và treo thông báo bán mang về. Vợ chồng chủ quán đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 nhưng gia đình có con nhỏ nên chị Linca không dám cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.
Bán ít khách sẽ lỗ vốn
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Minh Hải - chủ quán phở Hồng Anh trên đường Trần Hưng Đạo, TP Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết nhiều người bạn của ông kinh doanh nhà hàng vẫn chưa chuẩn bị mở cửa kinh doanh trở lại. Theo ông Hải, vấn đề là du khách chưa trở lại đảo ngọc Phú Quốc.
“Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng chưa mở cửa kinh doanh vì du lịch chưa phục hồi. Cần phải có thêm thời gian để kinh tế phục hồi ổn định, khách du lịch trở lại mới có thể mở cửa nhà hàng. Nhiều tháng không kinh doanh, buôn bán trở lại phải tốn tiền tỷ sửa chữa”, ông Hải chia sẻ.
Chính quyền thành phố Phú Quốc và tỉnh đã có kế hoạch đón khách du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng khách du lịch đến Phú Quốc chưa nhiều trong những tháng cuối năm 20201.
“Nhà hàng của tôi đầu tư gần 5 tỷ đồng, doanh thu mùa cao điểm dao động từ 70-100 triệu đồng mỗi ngày. Nếu bây giờ mở cửa đạt doanh thu khoảng 20 triệu một ngày (khoảng 300 tô phở) sẽ lỗ vốn", ông giải thích.
Quán bún bò Huế đắt khách ở Sóc Trăng không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về. Ảnh: Việt Tường. |
"Tuy nhiên, lúc này làm sao bán được 300 tô phở mỗi ngày. Nếu đầu năm 2022, chúng tôi cắt giảm nhân viên, mỗi ngày bán 200 tô phở để chịu lỗ ít cũng là mừng, còn bây giờ kinh tế mọi người đều kiệt quệ”, chủ quán phở nói.
Tại An Giang, UBND tỉnh này cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được hoạt động 70% công suất, không bán thức uống có cồn, mỗi bàn cách nhau 2 m, lắp vách ngăn các bàn với nhau và khuyến khích bán mang về.
Chủ cơ sở, nhân viên và khách phải đáp ứng một trong 3 điều kiện là tiêm ít nhất một liều vaccine đủ 14 ngày, đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong thời hạn 72 giờ.
Sau 3 ngày áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ để mở cửa, chiều 23/10, UBND tỉnh này có văn bản gửi các địa phương về việc yêu cầu người dân không ra đường từ 20h đến 5h hôm sau vì các huyện, thị xuất hiện nhiều F0 tại cộng đồng.