Joy Nazzari, nhà sáng lập Showhere, startup về công nghệ bất động sản tại Anh đang tuyển 16 nhân viên thuộc nhiều vị trí như lập trình viên, quản lý dự án và thiết kế. Tuy nhiên, lượng ứng viên của cô ngày càng thấp.
"Thuê người mới chưa bao giờ khó và tốn kém như lúc này", Nazzari cho biết. Không những vậy, cô còn phải giữ chân lao động cũ, những người thường xuyên lên LinkedIn rồi nghe lời chào mời từ công ty khác với thu nhập cao hơn.
Nazzari chỉ là một trong nhiều nhà tuyển dụng gặp khó khăn trước làn sóng bỏ việc lớn (The Great Resignation) diễn ra từ năm 2021. Tại Mỹ, tỷ lệ nhân viên bỏ việc cao hơn so với trước đại dịch trong 8 tháng liên tiếp, theo thống kê của Statista.
Làn sóng bỏ việc đang khiến nhiều hãng công nghệ đau đầu. Ảnh: Getty Images. |
Tặng tiền cho ứng viên
Vào tháng 1, Sanjay Raja, nhà kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank cho biết tỷ lệ nghỉ việc tại Anh đạt mức cao nhất từ năm 2009. Một lượng lớn lao động muốn từ bỏ hoàn toàn công việc và hơn 80% không muốn có việc làm - tỷ lệ cao nhất từ năm 1993. Điều đó tạo ra lỗ hổng lớn trong lực lượng lao động.
Theo Wired, làn sóng nghỉ việc đã nới rộng khoảng cách cung và cầu của nhân lực ngành công nghệ. 31% người lao động đã tìm kiếm công việc mới từ tháng 7-9/2021, mức cao nhất trong tất cả ngành lao động. Dữ liệu từ công ty đào tạo Global Knowledge còn cho thấy nhiều lãnh đạo đang giải quyết bài toán về lỗ hổng trong kỹ năng của nhân viên.
Thiếu hụt nhân lực khiến các hãng công nghệ đưa ra hàng loạt ưu đãi để thu hút người mới. Vào tháng 1, Pinterest công bố tăng cường phúc lợi trong kỳ nghỉ thai sản của cha mẹ. Trước đó, công ty về công nghệ tài chính (fintech) có tên Finder cho phép nhân viên nghỉ thêm 5 ngày có lương. On Purpose, công ty tư vấn truyền thông tại New Delhi (Ấn Độ) còn cho nhân viên nghỉ phép 7 ngày để chăm sóc thú cưng mới nhận nuôi.
Ứng viên thậm chí được trả tiền trong buổi phỏng vấn. Deutsche Familienversicherung, công ty về công nghệ bảo hiểm (insurtech) tại Frankfurt (Đức) tặng 572 USD cho ứng viên đến phỏng vấn, 1.144 USD nếu lọt vào vòng phỏng vấn thứ 2 và 5.720 USD cho những người hoàn tất 6 tháng thử việc.
Để thu hút nhân tài, nhiều công ty tặng tiền khi ký hợp đồng, tăng ngày nghỉ phép có lương và cho làm việc từ xa. Ảnh: Getty Images. |
Không chỉ các công ty lớn, tổ chức Bảo tồn Tự do Phần mềm (Software Freedom Conservancy) với 6 nhân viên cũng trả 500 USD cho ứng viên lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Cactus Communications, nền tảng xuất bản khoa học tặng 5% lương trong năm để chào đón nhân viên mới. Con số trên với công ty Showhere của Nazzari là một tháng lương.
Tuyển dụng linh hoạt nhờ làm việc từ xa
"Tiền thưởng cho người mới luôn là quyết định khó khăn bởi nhân viên cũ sẽ so bì. Tuy nhiên, ai cũng biết đó là tình trạng bất thường và để tiếp tục phát triển, chúng tôi phải cạnh tranh nhiều hơn", Nazzari cho biết.
Chừng đó là chưa đủ để thu hút ứng viên. Do đó, Nazzari áp dụng nhiều chiến lược như đề xuất vị trí cấp cao trong lần đầu gọi cho ứng viên, thậm chí hỗ trợ thủ tục cấp thị thực nếu ứng viên sống tại nước ngoài. Khi đại dịch bùng phát, yếu tố địa điểm làm việc của ứng viên không còn được chú trọng.
"Trong năm qua, chúng tôi đã ngừng xem xét tiêu chí địa điểm khi tuyển dụng... Chúng tôi tuyển nhân viên bất cứ khi nào và ở mọi nơi, đó là cơ hội tuyệt vời để người lao động tìm kiếm nhiều cơ hội khác nhau, hoặc làm việc trong lĩnh vực khác", Ashmita Das, CEO nền tảng tìm việc tự do dành cho nhà khoa học có tên Kolabtree giải thích.
Tại Mỹ, lượng công việc lâu dài, làm tại nhà đã tăng gấp đôi từ 9% lên 18% trong quý IV/2021, được dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2022. "Từ khi chuyển sang làm việc từ xa, chúng tôi có thể mở rộng các lựa chọn tuyển dụng trên toàn cầu, không bị giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể", Maureen Carroll, Giám đốc bộ phận thu hút nhân tài của Vista, công ty cung cấp dịch vụ số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ.
Các hãng công nghệ như Amazon, Intel thừa nhận có thể bỏ sót nhân tài nếu không chấp nhận chế độ làm việc từ xa. Ảnh: The Hill. |
Trong buổi họp dành cổ đông vào tháng 2, Amazon, PayPal, Intel và Pinterest đều thừa nhận bỏ qua chế độ làm việc từ xa sẽ khiến họ trả giá đắt trong cuộc chiến giành nhân tài, đặc biệt khi Facebook, Twitter và Spotify đã áp dụng phổ biến chính sách trên. Tại Nhật Bản, đất nước làm việc từ xa vẫn chưa phổ biến, Yahoo cho biết nhân viên có thể làm việc từ bất cứ đâu trên đất nước, sẵn sàng hỗ trợ tiền vé máy bay nếu cần đến văn phòng.
Khi các doanh nghiệp công nghệ gặp khó khăn trong lựa chọn ưu tiên làm việc từ xa hay trực tiếp, các số liệu cho thấy lương trung bình cho nhân viên ngành công nghệ tăng nhẹ. Theo dữ liệu của Dice, mức lương trung bình của các vị trí công nghệ tại Mỹ tăng gần 7% từ 2020 đến 2021, trung bình 6.707 USD/tháng.
Trong khi đó, lương trung bình cho các nhân viên tri thức trong ngành là 104.566 USD/năm, riêng lương của các nhà phát triển web tăng 21,3% so với cùng năm ngoái.
"Thu hút ứng viên bằng các đặc quyền tại văn phòng như bia trong nhà bếp, chính sách làm việc tại nhà linh hoạt đã là quá khứ... Mọi người cảm thấy mệt mỏi do làm việc quá sức và lương thấp, mong muốn một nhà tuyển dụng quan tâm đến sức khỏe tổng thể và sự thành công trong tương lai của họ", Meike Jordan, Giám đốc Nhân sự của Productsup, nền tảng bán sản phẩm cho người dùng tại Đức nhận định.
Bà cho rằng chưa có giải pháp để khắc phục nhanh chóng tình trạng đào thải nhân tài hiện nay.