Chiều 18/8, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng hoạt động đưa rước khách du lịch lặn ngắm san hô tại vùng biển phía nam đảo Phú Quốc.
Động thái này nhằm đánh giá, phục hồi lại hiện trạng các rạng san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi trong các phân khu chức năng của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc ở phường An Thới.
Theo ông Hưng, địa phương nghiêm cấm các phương tiện chưa đủ điều kiện hoạch động theo quy định đưa rước khách du lịch từ bờ ra đảo thuộc quần đảo An Thới. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu An Thới xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lập biên bản xử lý các công trình vi phạm
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, tại đảo Hòn Rỏi thuộc quần đảo Nam An Thới có 3 doanh nghiệp neo tàu. Trong đó, 2 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ lặn biển thể thao giải trí với tổng diện tích thả phao khoảng 1,2 ha trong phân khu Dịch vụ hành chính - Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Việc này đã được Vườn Quốc gia Phú Quốc lập biên bản, đình chỉ hoạt động.
Tại Hòn Mây Rút Trong có một doanh nghiệp nạo vét đá làm bờ kè, xây cầu bê tông xung quanh mũi hòn với diện tích khoảng 880 m2. Hoạt động này nằm trong các phân khu phục hồi sinh thái và bảo vệ nghiêm ngặt, một phần thuộc luồng tàu ra, vào đảo. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp đã cam kết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu.
Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói về việc xử lý rác thải và các vấn đề nóng tại Phú Quốc. Ảnh: Nhật Tân. |
Các hòn còn lại của quần đảo Nam An Thới xuất hiện 7 cầu tàu do người dân tự xây cất để phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Vườn Quốc gia Phú Quốc cùng lực lượng biên phòng đã lập biên bản xử lý.
Đối với khu vực ven biển xã Hàm Ninh, từ năm 2020 đến nay, chính quyền địa phương đã lập biên bản 8 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất bãi bồi ven biển. Cùng với việc xử lý hành chính, địa phương vận động người dân tháo dỡ, di dời vật kiến trúc ra khỏi khu vực vi phạm, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế.
Riêng khu vực ấp Cây Sao, đoàn đã kiểm tra ghi nhận 3 trường hợp tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trong Phân khu Dịch vụ hành chính của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Các công trình vi phạm gồm 3 cây cầu dẫn, một khu quán ăn, một khu bè nuôi cá, cùng quầy bar và 18 bungalow trên diện tích hơn 2.000 m2. Những trường hợp này đã được Vườn Quốc gia Phú Quốc lập biên bản để xử lý theo quy định pháp luật.
Khắc phục ô nhiễm môi trường
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, ngoài việc tìm biện pháp cải thiện ô nhiễm môi trường tại sông Dương Đông, địa phương đang quan tâm giải quyết những bức xúc của người dân do ảnh hưởng rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay; ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách chưa cao; địa hình, địa bàn rộng cùng với đường dốc khiến việc thu gom trở nên khó khăn hơn.
Việc thu gom rác thải được Ban Quản lý Công trình công cộng TP Phú Quốc thực hiện. Với tổng lượng rác thải khoảng 200 tấn mỗi ngày, công nhân thu được 80%.
Rác thải trôi dưới mé biển, tại khu công viên trước Công an TP Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường. |
Theo quy hoạch đến năm 2030, Phú Quốc có 2 khu liên hợp xử lý rác tại xã Cửa Dương và xã Hàm Ninh với quy mô 25 ha. Nhà máy rác Bãi Bổn xử lý 200 tấn/ngày, kết thúc vận hành thử nghiệm vào 9/2022, bình quân mỗi ngày xử lý 78,3 tấn, nếu ổn định UBND tỉnh sẽ cho chủ trương chính thức để nhà máy hoạt động. Còn bãi rác tạm Đồng Cây Sao đã đăng tải hồ sơ mời thầu qua mạng.
Trong thời gian tới UBND tỉnh Kiên Giang tập trung xử lý lượng rác tồn để đóng cửa bãi rác tạm tại Đồng Cây Sao, lượng rác phát sinh hằng ngày đưa về xử lý tại nhà máy rác hiện có. Tỉnh chỉ đạo TP Phú Quốc tăng cường công tác thu gom và xử lý rác thải, sớm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn theo quy định.