Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều doanh nghiệp Việt sẽ hết nguyên liệu sản xuất từ giữa tháng 3

Theo Cục Công nghiệp, cuối quý I năm nay, các doanh nghiệp điện - điện tử, doanh nghiệp ôtô, dệt may... của Việt Nam chịu tác động lớn của việc thiếu linh kiện, nguyên liệu.

Chiều 26/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp, từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, nhiều nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của dịch Coivd-19 tại Trung Quốc khi các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, thiếu hụt nhiều loại linh kiện để cấu thành sản phẩm.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bài toán nguyên phụ liệu

Theo tính toán, với ngành điện - điện tử, năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã là khoảng 32 tỷ USD.

Hiện tại, các doanh nghiệp chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3.

Trong khi đó, ngành dệt may và da giày, túi xách, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi và 12,7 tỷ USD vải; 5,6 tỷ USD nguyên phụ liệu. Nguyên phụ liệu ngành này còn đến khoảng giữa tháng 3 và đầu tháng 4.

doanh nghiep het nguyen lieu anh 1

Nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó khăn về nguyên, phụ liệu sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà.

Với ngành sản xuất lắp ráp ôtô, năm 2019, Việt Nam đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện. Trong đó nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là khoảng 2,6 tỷ USD.

Theo Cục Công nghiệp, đến cuối quý I năm nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ chịu ảnh hưởng từ việc thiếu hụt linh kiện.

Cục Công nghiệp cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt khó tìm được nguồn thay thế nguyên phụ liệu, linh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các sản phẩm đầu vào nhập khẩu từ các quốc gia khác thường có giá thành cao hơn từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu kinh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc cũng khó khăn khi dịch diễn biến phức tạp, thận trọng trong giao thương hàng hóa.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, lấy ví dụ việc muốn sản xuất một chi tiết bằng nhựa, doanh nghiệp phải mất 2 tháng làm khuôn mẫu. Đó là chưa nói đến nguyên phụ liệu cao cấp.

“Doanh nghiệp Việt nếu muốn sản xuất thì chỉ chi tiết rất đơn giản. Bản thân chi tiết đơn giản các hãng toàn cầu đã sản xuất cho tập đoàn này thì không sản xuất cho tập đoàn kia, không dùng chung nên lại càng khó”, ông nói.

Cơ quan này đề xuất cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào.

Bộ Công Thương cũng đề xuất đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số mặt hàng quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới… để khắc phục khó khăn từ bên ngoài.

Đồng thời tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Từ vụ tranh cướp mua khẩu trang, cần tính đến hoạt động sản xuất trong nước

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng cần đề xuất gói kích cầu kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch hiện nay. Đồng tình, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cũng cho rằng nên có thêm gói kích cầu cho không chỉ sản xuất mà cả tiêu dùng.

Ông Đông cho rằng trong ngắn hạn, cần cân nhắc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để giúp nông sản trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 1,8 tỷ USD rau quả, 1 tỷ USD sữa và 1,4 tỷ USD thịt các loại.

doanh nghiep het nguyen lieu anh 2

Thiếu nguyên liệu sản xuất đang gây khó khăn cho công nghiệp trong nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Có thể cân nhắc áp dụng thuế với hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp hàng trong nước, qua đó thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa nội địa trong ngắn hạn”, ông Đông đề xuất.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng sản phẩm Trung Quốc chiếm 40% chuỗi cung ứng châu Á, và 10% với Mỹ. Ông nhấn mạnh không phải riêng Việt Nam chịu tác động và nhiều nước trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng.

Hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp không chỉ tại Trung Quốc, mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là 2 thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để đảm bảo nguyên phụ liệu đầu vào, không để ảnh hưởng đến sản xuất.

Ông cũng cho rằng cần quan tâm đến việc sản xuất đủ hàng hòa cung ứng cho thị trường trong nước.

“Từ vụ tranh cướp mua khẩu trang, giấy vệ sinh ở các nước cho thấy chúng ta cần tính đến hoạt động sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa trong nước khi dịch bệnh có thể kéo dài. Cung - cầu trong nước cần được tính toán”, ông nói.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm