Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch virus corona đã bắt đầu gây ra những tác động trực tiếp và gián tiếp tới kinh tế Việt Nam. Nếu dịch được khống chế trong quý I, tăng trưởng GDP quý này có thể chỉ đạt 3,8% thay vì mục tiêu 6,52% mà Chính phủ đề ra.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng kinh tế giảm tốc lúc này nhưng hoàn toàn có thể lấy lại đà tăng trưởng nhanh hơn sau khi dập dịch. Vấn đề là Chính phủ ngay từ bây giờ phải có kịch bản kinh tế phù hợp để tận dụng các cơ hội sắp tới.
Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng lúc này thì việc kiểm soát dịch là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, Chính phủ cũng phải quan tâm đến việc tháo gỡ các khó khăn để phát triển kinh tế.
Ông Ngân thừa nhận dịch đang đem đến những tác động tiêu cực về kinh tế. Tuy nhiên, ông lạc quan nhấn mạnh những tác động thế này chắc chắn chỉ là ngắn hạn. Vấn đề là sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ có những kịch bản phát triển như thế nào để lấy lại đà tăng trưởng.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chuẩn bị cho đơn đặt hàng sau dịch
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, dịch virus corona đang đem đến cơ hội để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh hơn ra thế giới do có cơ cấu hàng hóa tương đồng với Trung Quốc. Khi Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên giành lấy các đơn đặt hàng này.
Khi lấy được các đơn đặt hàng thì đó cũng là lúc chứng tỏ hàng hóa Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng tình, TS kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội sau khi dịch bệnh được khống chế, qua đó lấy lại đà tăng trưởng.
Ông Hiển cho rằng quốc tế đã dự đoán cao trào dịch bệnh tại Trung Quốc là trung tuần tháng 2. Hiện tại cũng có nhiều khả năng để dự đoán đến cuối tháng 3 dịch bệnh cơ bản được không chế.
Vào cuối tháng 3, trên 70% lãnh thổ Việt Nam sẽ có nắng xuân, nhiệt độ tăng dần khiến dịch khó lan tỏa. Khi đó, dịch bệnh cũng có thể được khống chế ở tầm y học.
“Như vậy chỉ còn 1,5 tháng nữa để chuẩn bị. Giờ là lúc cần tính toán thiệt hại, sắp xếp tài chính, hỗ trợ, chuẩn bị nguyên vật liệu để có thể tăng tốc sản xuất từ cuối tháng 3”, ông nhận định.
Ông Hiển cho rằng sau dịch, Trung Quốc sẽ khôi phục sản xuất nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu hiện nay doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, coi đây là thời kỳ chuẩn bị để đón đầu các đơn hàng sau dịch, sẽ có những thuận lợi lớn. Hơn nữa, Việt Nam đang có lợi thế về giá rẻ, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên dễ dàng tận dụng được các cơ hội mở ra.
Về các mặt hàng nông sản, TS Đinh Thế Hiển cho rằng nông dân hoàn toàn có thể canh tác, chuẩn bị hàng hóa để tận dụng nhu cầu tăng mạnh sau dịch. Vị này phân tích hiện tại nông dân Trung Quốc cũng đang không sản xuất được vì dịch bệnh, nên nông sản có thể thiếu trầm trọng vào những tháng tới.
Sau khi dập dịch, nhu cầu về nông sản tại Trung Quốc lại tăng lên nhanh chóng sau một thời gian dồn nén. Các ngành dịch vụ, bán lẻ, du lịch cũng tăng dần khiến nhu cầu nông sản cũng tăng theo.
Ông Hiển nhấn mạnh nông nghiệp cần nắm bắt đúng chu kỳ sau dịch để sản xuất đón đầu mà kịp cung ứng. Bộ Nông nghiệp cần nhận định để hướng nông dân chuẩn bị. Các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch… nên đầu tư chuẩn bị cho vụ du lịch hè.
“Chúng ta phải lạc quan lên, đừng quá lo lắng vì dịch bệnh này. Đây chính là cơ hội của Việt Nam cho chặng đường dài, bởi nước ta đang có rất nhiều thuận lợi phía trước, kinh tế còn rất nhiều cơ hội để bật dậy”, ông nói.
Cơ hội để có tầm nhìn dài hạn
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng dịch virus corona là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh tái cơ cấu lại kinh tế với những tầm nhìn dài hạn hơn.
Ông cho rằng đã đến lúc cần đẩy nhanh việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Điển hình như việc tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu từ Trung Quốc.
Thay vào đó, Việt Nam cần đầu tư nhanh chóng cho các chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu ngay tại Việt Nam. Đặc biệt là những ngành quan trọng như dệt may, da giày, điện tử…
Hơn nữa, Việt Nam cần tích cực đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những bạn hàng mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.
Ông Ngân cũng cho rằng Chính phủ trong lúc này cần đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tạo đà cho phát triển không chỉ sau dịch và trong dài hạn. Trong dịch, khi các ngành kinh tế đình trệ thì hoàn toàn có thể dồn lực vào xây dựng hạ tầng.
Việc này giống như “một mũi tên bắn trúng hai đích”. Các dự án hạ tầng vừa kích cầu, đóng góp cho tăng trưởng trong ngắn hạn, bù đắp các ngành khác ảm đạm, vừa có thể khơi thông nguồn lực, tạo đà cho phát triển trong dài hạn.
Chuyên gia cho rằng cần tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu từ Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Đẩy nhanh hơn việc đầu tư cao tốc, sửa chữa sân bay, để khi kinh tế phát triển có cơ hội đẩy nhanh hơn nữa”, ông nói.
Đồng tình, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng và chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất. Việt Nam có thể tự xây thêm các nhà máy nguyên phụ liệu, hoặc tìm thêm các nguồn cung cấp khác từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… để đề phòng bất chắc.
Ông nhấn mạnh qua việc tắc biên nông sản thấy được nguyên nhân không chỉ vì virus corona mà còn vì nhiều điểm yếu của ngành nông nghiệp. Theo đó, hàng nông sản cần đi theo hướng sản xuất, cung ứng chính ngạch, sản xuất đại trà đi kèm chế biến sâu.
Ông khuyến nghị về lâu dài, cần đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển bằng các chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu, sản xuất có chế biến sâu kèm theo.
Nếu có gói hỗ trợ phải đúng và trúng
Khi được hỏi liệu Chính phủ có cần tung ra một gói kích thích kinh tế hay không, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng cần hết sức cân nhắc, dựa trên bài học về các gói kích thích, các chương trình hỗ trợ đã ban hành trong quá khứ.
Theo ông, gói kích thích có thể cần thiết nhưng cần đúng đối tượng, trúng vấn đề. Ông nhấn mạnh việc triển khai gói thế nào mới là quan trọng để gặp được đối tượng cần hỗ trợ, tạo hiệu quả cho nền kinh tế.
Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển nhận định nếu có gói kích thích kinh tế thì cần phải tính đến “đường dài”. Ông Hiển đánh giá gói hỗ trợ có thể là công cụ để Chính phủ định hướng việc chuyển dịch cơ cấu, nghĩa là hỗ trợ cho sản xuất tương lai nhiều hơn là bù đắp những thiệt hại trong quá khứ.
Ông Hiển lấy ví dụ có thể hỗ trợ một phần nào đó cho những người trồng thanh long, dưa hấu… thiệt hại bởi dịch. Nhưng căn cơ hơn, cần hỗ trợ họ để chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, nâng cao giá trị hàng nông sản, để xuất đến những thị trường khó tính hơn, tạo thu nhập cao hơn.
TS Hiển cũng cho rằng phải chuẩn bị nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp, các dự án sản xuất, tăng chế biến - chế tạo, hỗ trợ các dự án sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam thay thế nhập khẩu…