Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhiều doanh nghiệp phải bán cổ phần giá thấp để trả nợ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn ngày càng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp đối mặt áp lực trả nợ phải bán cổ phần với giá thấp.


Quoc hoi anh 1

Ngay phiên khai mạc, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về kết quả thực kiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Dự báo trong thời gian tới, những thách thức còn rất lớn. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng triển vọng kinh tế từ nay đến cuối năm vẫn còn xấu, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải bán cổ phần với giá thấp. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt từ Chính phủ.

Giải ngân gói phục hồi kinh tế đạt 29%

Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách năm 2022 đạt 1,8 triệu tỷ đồng, cao hơn 201.400 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,5%...

Trong những tháng đầu năm 2023, Chính phủ cho rằng diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…

Quoc hoi anh 2

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đọc báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng.

Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 đặt ra là 5,6%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.

Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách ngay trong quý II và cả năm, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa.

"Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, không gian mạng, tội phạm ma túy còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp...", báo cáo nêu.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến hết tháng 4, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đạt khoảng 87.300 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn lực (301.000 tỷ đồng).

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm một chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%). Đáng lưu ý là cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng. Thêm vào đó, thu ngân sách vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Quoc hoi anh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.

"Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại "

Ủy ban Kinh tế

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống. Thị trường chứng khoán sụt giảm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng.

"Tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại và đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá việc xử lý sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng", báo cáo nêu.

Ủy ban Kinh tế cũng lo ngại tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch..., ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội trong thời điểm cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp phải bán mình

Trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế đánh giá bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian tới bao gồm những rủi ro từ bên ngoài, như tăng trưởng kinh tế chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Lạm phát kéo dài dẫn đến điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn nữa, ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài.

Ủy ban Kinh tế

Theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021. Với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.

Về vấn đề xăng dầu, Ủy ban Kinh tế nêu thực trạng từ tháng 10/2022 đến nay, tuy giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước có đủ nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.

Theo phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các quy định về phương pháp tính giá chưa phù hợp với biến động thị trường, chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, không có tính cạnh tranh, chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng Quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng “đối phó” bằng cách bán hàng “nhỏ giọt”.

Về vấn đề điện lực, Ủy ban Kinh tế đánh giá chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm