Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước càng kinh doanh càng thua lỗ

Ngoài việc sử dụng tài sản không hiệu quả gây lãng phí vốn, mắc kẹt vốn tại các dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục nối dài chuỗi ngày kinh doanh ảm đạm.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2014 vừa được hoàn thiện mới đây đã "bêu" tên nhiều doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thiếu hiệu quả, thậm chí tới mức âm vốn chủ sở hữu.

Theo thống kê của Kiểm toán Nhà nước, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC từng đầu tư nhiều tài sản nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí vốn. VTC thuê vệ tinh Asiasat 5 gây lãng phí khoảng 233,5 tỷ đồng, phải dừng hoạt động hệ thống truyền hình kỹ thuật số 22,09 tỷ đồng. Một số thiết bị thuộc dự án Hệ thống phát thanh truyền hình trên mạng Internet của đơn vị này có giá trị 1,76 tỷ đồng hiện không sử dụng nữa.

Trong năm 2013, 21/68 doanh nghiệp được Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) góp vốn kinh doanh thua lỗ, khó khăn về tài chính, thậm chí ngừng hoạt động. DATC đã phải trích lập dự phòng lên tới 182,7 tỷ đồng đối với khoản đầu tư tại các doanh nghiệp này.

Nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước kinh doanh thua lỗ trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Anh Tuấn. 

3 doanh nghiệp do Tổng công ty Thép Việt Nam đầu tư âm tới 28,85 tỷ đồng trong năm 2013. Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy I âm 217,9 tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu. Thậm chí, Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn có mức lỗ lũy kế tới 355,12 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu vẻn vẹn 88 tỷ đồng. Riêng 6 đơn vị thuộc Tổng công ty công nghiệp Xi Măng Việt Nam gồm VICEM Tam Điệp, Hải Phòng, Bút Sơn, Bỉm Sơn và Đá xây dựng Hòa Phát đã có tổng lỗ lũy kế trên 1.652 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán Nhà nước cũng cho biết nhiều tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản lại vướng phải dự án chậm tiến độ khiến hiệu quả đầu tư giảm, thậm chí lãng phí vốn. Dự án Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không Liên Khương và dự án Cơ sở làm việc của các đơn vị khu vực sân bay Gia Lâm do Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đầu tư đã kéo dài 1-2 năm mà chưa hoàn thành. 

Một số dự án khác của Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 hay Công ty mẹ - Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đã phát sinh khoản đầu tư từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

T.A

Bạn có thể quan tâm