Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhiều doanh nghiệp chạy đua tìm ứng viên ngành công nghệ thông tin

Thị trường tăng trưởng nóng qua từng năm. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ thông tin chứng kiến sự chênh lệch về mặt cung - cầu. Nhiều doanh nghiệp phải chạy đua tìm kiếm ứng viên.

67,6% số doanh nghiệp lựa chọn công nghệ thông tin/viễn thông là ngành có tiềm năng tăng trưởng nhất trong khoảng ba năm tiếp theo.Ảnh: Economic times.

Thông tin trên được ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Dịch vụ kỹ thuật khách hàng, Công ty Optimizely Việt Nam, đưa ra tại chương trình Ngày hướng nghiệp được tổ chức ngày 30/10 tại khoa Toán - Cơ - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ngày hướng nghiệp đã thu hút hơn 1.000 sinh viên, học viên cao học các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng và Tin học từ khoa Toán - Cơ - Tin học và khoa Vật lý, ĐH Khoa học Tự nhiên, cũng như sinh viên từ các trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội.

Nhu cầu thị trường lớn

Theo thống kê của Vietnam Report vào tháng 2/2022 trên 500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, công nghệ thông tin/viễn thông từ nhiều năm nay luôn là ngành có dư địa tăng trưởng rất lớn, được 67,6% số doanh nghiệp lựa chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng nhất trong khoảng 3 năm tiếp theo.

Ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá công nghệ thông tin đang là ngành nghề nhiều tiềm năng tại Việt Nam, thị trường tăng trưởng nóng qua từng năm (trên 25%), xuất phát bởi một số nguyên nhân.

Thứ nhất, công nghệ thông tin là ngành cơ bản, cần thiết trong tất cả ngành khác. Ứng viên dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp với sở thích, mong muốn, đồng thời dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm cơ hội học hỏi ngôn ngữ, công cụ mới.

Thứ 2, về mặt chất lượng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, có trình độ đào tạo cơ bản tốt, năng lực toán học thuộc nhóm trên trung bình, có cơ hội cạnh tranh với nước bạn.

Thứ 3, đây là xu hướng sau đại dịch, chuyển đối số đóng vai trò quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, đòi hỏi nhân lực về công nghệ thông tin.

Thứ 4, các quốc gia phát triển có nhu cầu lớn về công nghệ thông tin đồng nghĩa chi phí lao động cao. Để giảm chi phí này, các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến các khu vực có chi phí nhân công thấp hơn như Việt Nam.

Hiện nay, các ngành nghề khởi nghiệp được ưu tiên phát triển, hỗ trợ đến 2030 bao gồm các công ty phát triển công nghệ cốt lõi, các công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số, các công ty phát triển các giải pháp công nghệ kỹ thuật số, khởi nghiệp công nghệ số.

Có thể thấy, công nghệ thông tin đang là ngành nghề mũi nhọn, được ưu tiên phát triển, là lựa chọn trong chiến lược Việt Nam đến năm 2030.

Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu nhân sự công nghệ thông tin lại đang thiếu hụt. Dự báo từ năm 2022-2024, Việt Nam vẫn thiếu 150.000-195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao cho đến năm 2024 khi nhu cầu lên tới 800.00 lập trình viên, theo Vietnam Report.

VN IT Market Report 2022 - TopDev chỉ ra tuổi nghề nhân sự công nghệ thông tin còn khá trẻ, số nhân sự dưới 30 tuổi chiếm 54%, có 5 năm kinh nghiệm trở lên chiếm 30%, dưới 3 năm kinh nghiệm chiếm 52%. Phần lớn nhân sự trong ngành là nam giới (trên 90%), phân phối chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM (89,4%).

xu huong anh 1

Ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin coi trọng kỹ năng mềm không kém năng lực kỹ thuật. Ảnh: Ngọc Bích.

Xu hướng tuyển dụng

Theo thông tin từ ông Tuấn, công nghệ thông tin mở rộng ở nhiều vị trí trong doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, nhiều tổ chức lớn đã bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng khoa học dữ liệu một cách chuyên sâu và bài bản, sinh viên công nghệ thông tin hoàn toàn có thể lựa chọn lĩnh vực này. Có thể kể đến các vị trí Data scientist, Data engineering (làm việc với dữ liệu, sử dụng các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng phân tích để xác định các mẫu, xử lý dữ liệu và rút ra kết luận có giá trị).

Ngoài ra còn có các vị trí như Devops (người giám sát quy trình coding, scripting, phát triển), Cloud architect (người tạo ra các cấu trúc & chiến lược trên Cloud), Full Stack developer (lập trình viên web toàn diện), Blockchain developer (người chịu trách nhiệm phát triển và cải tiến các ứng dụng liên quan đến blockchain), Kiểm thử phần mềm…

Trong đó, 86,3% các nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển ứng viên 2 năm kinh nghiệm trở lên, 24,9% có nhu cầu tuyển các nhân sự mới, chưa có kinh nghiệm. Vị trí lãnh đạo/quản lý chiếm 19,7% và vị trí giám đốc/C-level chiếm 7,4%, theo TopDev 2022.

Nhà tuyển dụng kiểm tra, đánh giá năng lực ứng viên qua một số cách như: Kiểm tra đánh giá với vấn đề, dự án thực tế; phỏng vấn trực tiếp; thông qua cuộc thi; kiểm tra đánh giá tại nhà…

Ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin coi trọng kỹ năng mềm không kém năng lực kỹ thuật. Đây được đánh giá là yếu tố quyết định mức độ phù hợp của ứng viên với công việc, vị trí tuyển.

Đa số nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng giao tiếp là quan trọng nhất (63,5%), tiếp đến là kỹ năng làm việc nhóm (59,2%), tư duy phát triển (52,3%), giải quyết vấn đề (52,1%)...

36% nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên công nghệ thông tin có ngoại ngữ. Trong đó, 58,4% nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên biết tiếng Anh cơ bản, ngoài ra còn có các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn.

Trong quá trình tuyển dụng, ông Tuấn gặp nhiều trường hợp ứng viên mắc các lỗi căn bản trong CV như lỗi đánh máy, email không chuyên nghiệp, ảnh không phù hợp…

Ngoài ra, nhiều ứng viên tự tin thái quá vào năng lực bản thân dẫn đến những yêu cầu với nhà tuyển dụng không phù hợp. Chính vì vậy, ngay từ khi còn trên giảng đường, ngoài kiến thức chuyên môn, ứng viên cần tích lũy thêm kỹ năng mềm.

Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.

Xem thêm: Phát triển bản thân cùng sách

xu huong anh 2

3 lần đàm phán lương thất bại và tiêu chí chi trả của nhà tuyển dụng

Đàm phán lương là kỹ năng không phải ai cũng thành thạo. Nhà tuyển dụng thường dựa trên khung lương nội bộ, cạnh tranh thị trường, năng lực ứng viên... để đưa ra mức chi trả.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm