Đêm 30 Tết, phóng viên Zing.vn tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội... ghi nhận tình trạng người dân tự ý đốt pháo hoa. Có nơi tiếng pháo rền vang suốt cả tiếng đồng hồ trước sự bất lực của lực lượng chức năng.
Tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, từ 23h pháo đã nổ vang trời, tập trung ở các khu vực ven trung tâm thị trấn. Đến 23h20, khu vực hồ Bình Sơn (thị trấn Hương Khê) trước cổng UBND huyện vẫn xuất hiện pháo hoa do người dân đốt.
Người dân tự đốt pháo tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: T.P. |
Dọc đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Hương Khê, hàng trăm quả pháo được bắn lên trời ngay thời khắc giao thừa. Ngoài các loại pháo hộp, người dân ven đường còn sử dụng các loại pháo dây, pháo bi...
Trao đổi với Zing.vn, thượng tá Phan Xuân Công, Trưởng công an huyện Hương Khê, cho biết năm nay dù đã tuyên truyền và xử lý mạnh pháo nổ song đến thời khắc giao thừa lượng pháo nổ còn rất nhiều.
"Chúng tôi đã cho ghi hình lại các trường hợp nổ pháo và ra Tết sẽ triệu tập, xử lý vi phạm", ông Công nói.
Hơn một giờ đồng hồ trước và sau thời khắc giao thừa, bầu trời thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh, rền vang, rực sáng bởi hơn chục điểm bắn pháo hoa tự phát của người dân địa phương. Tại ngã tư trung tâm thị trấn có ít nhất 6 điểm bắn lớn, liên tục trong 30 phút, gồm cả pháo tầm thấp và tầm cao, thu hút rất đông người dân từ khắp ngả kéo về xem pháo, trong đó có không ít thanh niên có biểu hiện tụ tập đua xe trái phép.
Các điểm bắn pháo hoa tự phát rải rác khắp nơi trong bán kính khoảng 7 km tính từ trung tâm thị trấn Phố Châu, mặc cho trước đó loa phát thanh liên tục phát đi các thông tin về quy định nghiêm cấm, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo tại Việt Nam.
Bầu trời phố thị rền vang tiếng pháo, các điểm bắn vẫn gối nhau hoạt động liên hoàn bất chấp nỗ lực kiểm soát của chính quyền, xe cảnh sát liên tục rú còi, nhanh chóng áp sát kiểm tra nhiều tụ điểm bắn pháo tại khu vực trung tâm. Một số đối người vi phạm tàng trữ và sử dụng pháo trái phép đã bị bắt quả tang, lập biên bản và thông tin công khai trên hệ thống loa phát thanh công cộng.
Pháo hoa tự phát tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ảnh: D. Hiếu. |
Ông Nguyễn Trọng Danh, Trưởng công an thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn), cho biết so với năm trước năm nay tình trạng pháo nổ đã giảm song vẫn nhiều. "Công an đã bắt 5 người có hành vi đốt pháo. Họ bị đọc tên trên loa truyền thanh và đang lập hồ sơ xử lý", ông Danh nói. Theo ông, dù trước Tết lực lượng nhiều lần xử lý các trường hợp đốt pháo song tình trạng này vẫn diễn ra.
Nhiều loại pháo có chữ nước ngoài được người dân bắn liên tục trong gần 1 giờ đồng hồ. Pháo to bằng cổ tay người lớn, có âm thanh chói tai. Còn có cả pháo dàn bắn nhiều quả lên trời liên tục.
Tại xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), từ 22h ngày 30 Tết, nhiều người dân cũng tự ý đốt pháo. Nhiều loại pháo được người dân sử dụng và đốt như pháo hoa, pháo tràng, pháo sáng,... Tiếng pháo rền vang liên tục và sáng cả một vùng trời. Tại các xã khác như An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Yên... tiếng pháo cũng vang nổ rải rác.
Một điểm bắn pháo hoa tự phát tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tại Hà Nội, tiếng pháo lác đác xuất hiện tại khu vực quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm. Pháo hoa được bắn chủ yếu là loại pháo thăng thiên tầm thấp, tia lửa không xòe rộng nhưng tiếng kêu khá lớn và đanh, gây xôn xao các khu dân cư.
Tại Hải Phòng, lực lượng công an tổ chức đứng canh các mặt đường lớn, người dân lại chọn cách đốt pháo trong ngõ hẹp hoặc trên các mái nhà...
Năm 1994, Thủ tướng ban hành chỉ thị 406-TTg về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị có hiệu lực từ 1/1/1995.
Không chỉ hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Theo Điều 318 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm.