Theo Forbes, Bộ Nội vụ Anh thông báo tính từ quý IV/2018 đến hết quý I/2019, số người sở hữu tài sản hàng triệu USD tại Trung Quốc xin được thị thực định cư tại Anh tăng tới 45% so với quãng thời gian trước đó.
Chính phủ Anh quy định để sở hữu thị thực nhà đầu tư cấp 1 (được định cư), người xin thị thực cần đầu tư ít nhất 2 triệu bảng Anh (2,5 triệu USD). Toàn bộ số tiền này phải được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Anh, hoặc mua cổ phần hoặc cho vay vốn các công ty đã đăng ký ở Anh.
Điều đó có nghĩa là chỉ những người sở hữu khối tài sản trên 2 triệu bảng Anh mới có thể xin được loại thị thực này.
Du khách Trung Quốc chụp ảnh ở London, Anh. Ảnh: Getty Images. |
Năm 2018, chưa tới 50% tổng số thị thực nhà đầu tư cấp 1 chính phủ Anh cấp rơi vào tay các triệu phú Trung Quốc. Trong quý I/2019, chính phủ Anh cấp 67 thị thực nhà đầu tư cấp 1 và trên 50% thuộc về doanh nhân Trung Quốc.
Tại sao giới nhà giàu Trung Quốc lại muốn có visa đến Anh? Theo khảo sát của hãng tư vấn Shard Capital, hơn 80% số người xin thị thực nhà đầu tư cấp 1 được hỏi nói rằng nền giáo dục tân tiến là lý do họ muốn đến Anh.
Tuy nhiên, khảo sát mới đây cho thấy nhiều triệu phú Trung Quốc tỏ ra lo ngại với tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và những bất ổn về kinh tế. Đó là lý do lớn nhất khiến họ quyết định rời bỏ quê hương để đến Anh.
Điều tra của tổ chức New World Wealth cũng cho thấy có tới 10.000 triệu phú Trung Quốc rời bỏ quê hương vào năm 2017. Và con số này đang tăng lên.
Mỹ mới thực sự là điểm đến yêu thích nhất của giới nhà giàu Trung Quốc. Ảnh: WSJ. |
Theo khảo sát của tạp chí Hồ Nhuận, Mỹ chứ không phải Anh mới là điểm đến yêu thích của giới nhà giàu Trung Quốc.
Khoảng 80% đại gia Trung Quốc chọn Mỹ khi quyết định di cư. Ước tính người Trung Quốc chiếm tới 85% trong tổng số người nhận thị thực EB-5 của Mỹ, tương đương thị thực nhà đầu tư cấp 1 của Anh.
Tạp chí Hồ Nhuận khẳng định chiến tranh thương mại đang đánh thẳng vào túi tiền của giới nhà giàu Trung Quốc. Trong năm nay, Forbes xác nhận số lượng tỷ phú USD tại Trung Quốc giảm tới 49 người so với năm ngoái.
Tổng cộng các tỷ phú Trung Quốc mất đi khối tài sản lên đến 1.000 tỷ USD. "Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 23%, đồng nhân dân tệ sụt giá 6% là nguyên nhân chính", ông Rupert Hoogewerf, chủ tịch Hồ Nhuận, giải thích.