Theo Bloomberg, giới tài chính phương Tây vừa học được một bài học ngôn ngữ quá tốn kém. Mới đây, nhà kinh tế trưởng Paul Donovan (người Anh) của ngân hàng Thụy Sĩ UBS bất ngờ rơi vào rắc rối khi bình luận về dịch cúm heo tại Trung Quốc trong chương trình UBS Morning Audio Comment.
Khi thảo luận về việc lạm phát ở Trung Quốc gia tăng do dịch cúm heo, ông Donovan được hỏi rằng liệu vấn đề này có khiến các nhà đầu tư lo lắng. Ông trả lời: “Điều đó là vấn đề nếu bạn là một con lợn Trung Quốc. Đó là vấn đề nếu bạn ăn thịt lợn ở Trung Quốc”.
Câu nói tưởng như bình thường đó đã gây cơn bão mạng tại Trung Quốc. Trên WeChat, rất nhiều người chỉ trích ông Donovan phân biệt chủng tộc, coi thường người Trung Quốc.
Dịch cúm heo đang đẩy lạm phát ở Trung Quốc gia tăng. Ảnh: Nikkei. |
Tài khoản Twitter của Global Times đăng: “Nhà kinh tế trưởng Paul Donovan của UBS dùng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và đáng ghê tởm khi phân tích về lạm phát ở Trung Quốc”.
Nhân Dân nhật báo cũng đăng bài xã luận với tựa đề: “Nhà kinh tế trưởng của UBS, tại sao ông dám xỉ nhục Trung Quốc?”. Bài báo này khẳng định: “Vì danh dự quốc gia, chúng ta không thể thông cảm với những lời lẽ và hành vi bẩn thỉu làm tổn thương Trung Quốc”.
Làn sóng đòi tẩy chay UBS bùng lên ở Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc - đối thủ của UBS - công kích ông Donovan dữ dội. Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc ở Hong Kong - đại diện nhiều tổ chức tài chính địa phương - đòi UBS sa thải ông Donovan.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Donovan nói: “Tôi đã dùng ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa một cách thiếu cẩn trọng. Tôi xin lỗi vì điều đó”. UBS cũng lên tiếng xin lỗi công khai. Ngày 14/6, UBS xác nhận ông Donovan đã tạm nghỉ việc. “Chúng tôi đang xem xét vấn đề để xác định nên làm gì tiếp theo”, đại diện ngân hàng này cho biết.
Nhà kinh tế trưởng Paul Donovan của ngân hàng UBS. Ảnh: SCMP. |
Theo nhà phân tích Jasmine Fan của hãng BlackRock ở New York (một người gốc Hoa, rành cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh), câu “nếu bạn là một con lợn Trung Quốc” hoàn toàn không có ý gì xấu trong tiếng Anh.
“If you are (nếu bạn là)” là câu được dùng rất phổ biến trong tiếng Anh. “Nhưng khi được dịch sang tiếng Trung, câu này nghe khá khó chịu”, bà Fan giải thích. Hơn nữa, việc ông Donovan dùng từ “pig” (lợn) cũng khiến nhiều người Trung Quốc bức xúc.
“Thông thường, khi làm việc với đối tác Trung Quốc, các thương nhân sẽ dùng từ ‘hog’ (tạm dịch: heo). Từ ‘lợn’ thường bị hiểu theo nghĩa xấu”, phó giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California, San Diego giải thích.
Theo một số chuyên gia tài chính Mỹ, trên thực tế vụ lùm xùm này “bị chính quyền Trung Quốc kích động” do tâm lý chống phương Tây đang bùng phát tại nước này trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.