Nông nghiệp đang trở thành trụ cột tại nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ảnh: HPG. |
Nông nghiệp từng bị đánh giá là ngành kinh doanh với biên lợi nhuận quá mỏng dẫn tới không nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, nhờ các chính sách ưu đãi từ Chính phủ cùng tư duy đổi mới mô hình phát triển khép kín, phát triển theo chuỗi giá trị dựa trên liên kết nhiều chủ thế, nông nghiệp đang dần trở thành lĩnh vực kinh doanh quan trọng của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Như tại Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), kết thúc quý III vừa qua, tập đoàn này ghi nhận 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đã thu về 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tới 140% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi đậm nhờ chăn heo, nuôi gà
Đáng chú ý, năm nay, lợi nhuận Hòa Phát thu được từ lĩnh vực kinh doanh chính là sắt thép vẫn ghi nhận mức tăng 42%, trong khi lợi nhuận thu được từ mảng nông nghiệp đã tăng tới 80%.
Hòa Phát cho biết trong 9 tháng, mảng bán heo của tập đoàn đã tăng trưởng tốt, với sản lượng bán ra đạt 443.000 con, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, sản lượng trứng gà cung cấp ra thị trường đạt 243 triệu quả, tăng 5%. Bình quân mỗi ngày từ đầu năm, Hòa Phát lại bán ra thị trường 900.000 quả trứng gà và giữ vị trí số 1 tại thị trường miền Bắc.
Cùng với đó, công ty cũng ghi nhận sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng trưởng 4% trong 3 quý đầu năm, chăn nuôi bò Australia phục hồi tích cực, bất chấp thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Qua 9 tháng, sản lượng bò Hòa Phát bán ra cũng đã tăng 10%.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã rót hơn 3.100 tỷ đồng vào làm nông nghiệp, chủ yếu ở mảng chăn nuôi. Ảnh: Nam Khánh. |
Tính tới cuối tháng 9, Hòa Phát đã rót hơn 3.100 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp. Nếu ngành thép đang phục hồi chậm thì mảng nông nghiệp với những sản phẩm như trứng gà, thịt heo, thịt bò... lại đang dần tăng tỷ trọng đóng vào kết quả kinh doanh của Hòa Phát.
Là doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi nổi tiếng phía Bắc, khép lại quý III, Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) của đại gia Nguyễn Như So đã thu về khoản lãi sau thuế hơn 312 tỷ đồng. So với cùng kỳ, lợi nhuận quý III của Dabaco đã tăng gấp 25 lần, đồng thời là mức cao nhất trong 5 quý trở lại đây.
Lũy kế 9 tháng, Dabaco thu về 530 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 28 lần. Dabaco cho biết kết quả này có được chủ yếu đến từ giá heo hơi liên tục tăng mạnh từ đầu năm khi nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh và ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi, vốn chiếm trên 60% giá thành nuôi heo lại giảm đáng kể. Giá ngô, đậu tương, lúa mì hiện đã giảm 30-40% so với mức đỉnh của năm 2023. Ba loại ngũ cốc này chiếm 80% chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi và giúp Dabaco tiết kiệm được lượng lớn giá vốn.
DABACO LÃI LỚN QUÝ III/2024 | ||||||||||
Kết quả kinh doanh những quý gần đây của Dabaco. Nguồn: BCTC DN. | ||||||||||
Nhãn | III/2022 | IV | I/2023 | II | III | IV | I/2024 | II | III | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 3567 | 2930 | 2314 | 3473 | 2709 | 2614 | 3253 | 3187 | 3525 |
Lợi nhuận sau thuế | 206 | -79 | -321 | 327 | 12 | 6 | 73 | 145 | 312 |
Nhìn về quý IV, Chủ tịch Nguyễn Như So đánh giá lợi nhuận công ty có thể tương đương quý III và tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu trên 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt 700 tỷ đồng đặt ra cho cả năm.
Thậm chí, trong năm sau, ông So cũng đánh giá lợi nhuận sẽ khả quan hơn cả năm nay.
Vực dậy nhờ nông nghiệp
Hiện nay, Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là một trong những doanh nghiệp định hướng trở thành tập đoàn chuyên về nông nghiệp. Từng thử sức với nhiều lĩnh vực như năng lượng, bất động sản, y tế, giáo dục... đến cuối cùng, nông nghiệp mới là lĩnh vực giúp bầu Đức vượt qua giai đoạn bết bát nhất.
Trong quý III, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận 1.432 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với cùng kỳ, do đà suy giảm ở cả ngành trái cây, chăn nuôi heo và hàng hóa, dịch vụ khác. Dù vậy, công ty bầu Đức vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 8%, đạt 351 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp phố núi đã ghi nhận 4.193 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17%, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 20% đạt 851 tỷ đồng.
Đà tăng lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai có được chủ yếu nhờ giá bán heo tăng mạnh từ 50.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg trong 9 tháng qua. Ngoài thịt heo, các sản phẩm chính của công ty như sầu riêng, chuối đều có đầu ra thuận lợi, giá bán cao giúp cải thiện biên lãi gộp.
Nhờ khoản lãi năm nay, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Hoàng Anh Gia Lai đến cuối tháng 9 đã giảm về mức 626 tỷ đồng. Trong nhiều năm gần đây, nông nghiệp đang là lĩnh vực chính mang tiền về giúp bầu Đức xóa dần khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.
Bầu Đức dự kiến năm nay doanh thu cây ăn trái sẽ mang về khoảng 5.540 tỷ đồng, chiếm 71% tổng doanh thu; doanh thu heo ăn chuối mang về 1.550 tỷ, chiếm 20%; và các sản phẩm, hàng hóa khác đóng góp 660 tỷ, chiếm 9%.
Với sự thuận lợi từ kinh doanh sầu riêng, chuối và heo, Hoàng Anh Gia Lai tự tin lợi nhuận từ năm 2024 trở đi sẽ đạt ít nhất 2.000 tỷ đồng/năm
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai
Ông cũng đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực sầu riêng mang tới lợi nhuận đột biến trong quý cuối năm.
Hiện công ty đang sở hữu 1.200 ha sầu riêng tại Lào (thu trái vụ) và năm nay là năm đầu tiên cho trái trên diện tích 200-300 ha sẽ mang tới doanh thu vào tháng 10 và 12 sắp tới.
Bầu Đức kỳ vọng bán được sầu riêng nghịch vụ với giá 100.000 đồng/kg trở lên. Với 300 ha sắp thu hoạch, dự kiến mang về doanh thu hàng trăm tỷ đồng năm nay. Giai đoạn 2025-2026, con số này có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Với sự thuận lợi từ hoạt động kinh doanh sầu riêng, chuối và heo, bầu Đức tự tin lợi nhuận từ năm 2024 trở đi của tập đoàn sẽ đạt ít nhất 2.000 tỷ đồng/năm.
PAN Group (HoSE: PAN) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III, ghi nhận 5.083 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ, lãi ròng theo đó đạt 186 tỷ đồng, tăng 89%, là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay.
Theo lý giải của doanh nghiệp, kết quả lợi nhuận tăng mạnh trong quý vừa qua đến từ cả 3 trụ cột chiến lược của tập đoàn là thủy sản (+7%), nông nghiệp (tăng gấp đôi) và thực phẩm đóng gói (+48%).
Trong đó, mảng thủy sản ghi nhận doanh thu tăng 56% nhờ số đơn hàng xuất khẩu tôm và cá tra tăng vọt. Tuy vậy, lợi nhuận của mảng này chỉ tăng 7%, do áp lực từ giá bán phục hồi chậm và phải trích lập dự phòng thuế cho các đơn hàng xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.
Ở mảng nông nghiệp, doanh thu từ các nhóm nông dược, giống cây trồng và lương thực đều tăng 2 chữ số, từ đó giúp lợi nhuận tăng gấp đôi.
Các nhóm hàng trong mảng thực phẩm đóng gói của PAN Group quý vừa qua cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, riêng mảng hạt và trái cây sấy tăng trưởng 146%.
Lũy kế 9 tháng, PAN Group đã ghi nhận 11.921 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 363 tỷ đồng, hoàn thành hơn 80% kế hoạch cả năm.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.